Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông 10 năm tới sẽ đưa nền giáo dục của nước ta đến mục tiêu và mức độ như thế nào?

Nguyễn Vũ ghi 15/04/2014 08:47

Nhất trí với chủ trương tiếp tục đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, song nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng việc chuẩn bị để trình QH xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 40/QH10 của QH ban hành cách đây hơn 13 năm về nội dung này cần đầy đủ và thuyết phục hơn. Theo đó, từ Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến Nghị quyết của QH cần mang tính định lượng, không đơn thuần là tập hợp, chép lại Nghị quyết của Trung ương. Có như vậy thì khi đọc Nghị quyết của QH, người dân mới thấy được, trong 10 năm tới, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ đưa nền giáo dục của nước ta đến mục tiêu và mức độ như thế nào. Nghị quyết của QH phải có nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trong 10 năm tới sẽ đưa nền giáo dục của nước ta đến mục tiêu và mức độ như thế nào?

Nghị quyết 687 ngày 18.10.2013 về tổng kết Nghị quyết 40 là một trong những yêu cầu của QH. Điểm đầu tiên trong Nghị quyết 687 của QH là yêu cầu Chính phủ phải tổng kết Nghị quyết 40. Hôm nay Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời là căn cứ vào Báo cáo giám sát để nói những điểm được và những điểm còn hạn chế của Nghị quyết 40, tôi thấy chưa đúng với tinh thần Nghị quyết của QH. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khẩn trương tổng kết theo đúng Nghị quyết 687 và gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết 40 tới QH. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu. Anh không thể căn cứ vào báo cáo giám sát được, đó không phải báo cáo tổng kết, sau báo cáo giám sát QH đã ra Nghị quyết, thì phải thực hiện theo Nghị quyết đó.

Đi vào dự thảo Nghị quyết, tôi thấy những nội dung trong này đều có thể chấp nhận được và nó mang tính định tính nhiều hơn là định lượng. Tôi rất muốn từ một Nghị quyết của Đảng đến một nghị quyết của QH mang tính định lượng, nếu định tính như Nghị quyết của Đảng thì khi đọc người dân cũng chưa thấy nền giáo dục của mình như thế nào và việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông trong khoảng 10 năm tới sẽ đưa nền giáo dục của nước ta đến mục tiêu và mức độ như thế nào. Đọc lại mục tiêu của dự thảo Nghị quyết này thì thấy không khác so với Nghị quyết 40 bao nhiêu, cũng là chất lượng nguồn lực, cũng là hiện đại hóa, cũng là chuẩn hóa, xã hội hóa, là giáo viên, là cán bộ quản lý, nâng cao năng lực tự học của học sinh... Nhưng tôi nghĩ, Nghị quyết lần này phải ở mức độ cao hơn, đạt được kết quả cao hơn về chất và như vậy nghị quyết phải được lượng hóa như thế nào?

Về sách giáo khoa, việc đa dạng hóa, giao cho nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa dựa trên chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã được bàn từ năm 2000, trải qua khoảng 15 năm, chúng ta mới đi đến việc có thể cụ thể hóa quan điểm này. Tôi hoàn toàn ủng hộ để huy động xã hội cùng tham gia vào vấn đề này và căn cứ quan trọng nhất là mục tiêu và chương trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm kiểm soát vấn đề này để khai thác sự tham gia của toàn bộ sức mạnh của xã hội.

Liên quan đến tiến độ, tôi đề nghị cũng phải cân nhắc. Tôi nhớ năm 2000, ta quyết tâm về mặt phương pháp, trang thiết bị đồ dùng dạy học - tất cả những việc đó rất quyết tâm. Năm nào QH cũng phân bổ ngân sách vài trăm tỷ đồng cho việc đổi mới trang thiết bị đồ dùng dạy học, nhưng khi cơ sở vật chất không đồng bộ, qua giám sát ở nhiều trường cho thấy không có phòng, toàn bộ để vào kho... Giám sát thực tế cho thấy chỉ những trường ở vùng thuận lợi, còn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là bất khả thi, có nơi không có phòng. Bây giờ chương trình kiên cố hóa trường lớp còn đang tiếp tục thực hiện, còn hàng chục nghìn phòng học phải tiếp tục làm. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có một công bố đầy đủ về việc thực hiện Nghị quyết 40, đặc biệt là vấn đề đổi mới phương pháp, đồ dùng dạy học. Những điều kiện để đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình sách giáo khoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phân tích kỹ lưỡng hơn, vùng thuận lợi như thế nào, vùng khó khăn như thế nào, tất cả tập trung như thế nào để đáp ứng được và tạo cho QH yên tâm đối với toàn bộ nội dung của dự thảo Nghị quyết này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: Tôi thấy hoang mang, chưa rõ điểm mới trong dự thảo Nghị quyết là gì

Tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã nghiên cứu Nghị quyết 40, có so sánh và quyết tâm để đưa ra những vấn đề mới. Tôi đọc đi đọc lại dự thảo Nghị quyết thì thấy cũng băn khoăn. Có 3 vấn đề tôi muốn làm rõ trong dự thảo Nghị quyết này vì Nghị quyết của QH thì phải cụ thể hóa để giao việc thực hiện cho Chính phủ, cho các cấp chính quyền địa phương.

Một là, Nghị quyết lần này có điểm gì mới? Mới ở đây không chỉ dừng lại so với Nghị quyết 40 của QH mà phải được đúc kết tình hình thực hiện 13 năm qua, từ năm 2000 đến nay. Sau 13 năm, chúng ta bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn về vấn đề sách giáo khoa thì bây giờâ, ban hành Nghị quyết về vấn đề này, QH đưa ra được những điểm gì mới? Tôi thấy hoang mang, chưa rõ điểm mới trong dự thảo Nghị quyết là gì.

Hai là, có rất nhiều vấn đề về sách giáo khoa sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 40. Vậy quyết tâm đột phá đối với sách giáo khoa là gì? Tôi thấy về phương pháp, nội hàm của chuyên ngành giáo dục có vấn đề tích hợp, phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở là rõ nét, nhưng tôi vẫn chưa yên tâm. Bây giờ đột phá trong vấn đề sách giáo khoa ở ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông là gì thì chưa rõ.

Ba là, tính toán diện phải làm và lâu dài, có phải đến năm 2030 không? Từ đó nó có ổn định không? Tôi tưởng tượng ra một số cái, với đặc điểm của nước ta có thể khẳng định là phù hợp với từng giai đoạn, chúng ta sẽ có sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong nội hàm các bài của sách giáo khoa, nhưng về cơ bản, lâu dài nó như thế nào và trước mắt từ nay đến năm 2020 phải đạt được cái gì? Ta quyết tâm từ năm 2015 bắt đầu vận hành sách giáo khoa chương trình mới hay bắt đầu từ bây giờ hoặc tiếp tục cái chúng ta đã và đang làm? – trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ. Đọc dự thảo, tôi cảm thấy là đến năm 2015 mới bắt đầu làm. Không phải. Tôi hình dung là ta phải tiếp tục làm những cái đã bàn luận, không phải bây giờ mới bắt tay vào làm mà đã và đang làm từ quá trình cải tiến dần dần và bây giờ tiếp tục đổi mới về hệ thống sách giáo khoa. 

Từ thực tiễn cuộc đời mình, tôi thấy những kiến thức có được từ giáo dục là 1 và từ thực tiễn là 9. Cái quan trọng nhất của giáo dục là giúp chúng ta có một nền tảng kiến thức ban đầu để bước vào đời, để tự lập. Vì vậy, sách giáo khoa là hệ thống kiến thức để làm chìa khóa vào đời của một con người. Từ đây nó liên quan đến mục tiêu về xây dựng con người Việt Nam trong tương lai như thế nào. Và khối lượng kiến thức để trang bị cho học sinh là gì? Điều quan trọng nhất là phương pháp tư duy, phương pháp tự học. Vì vậy, tôi đề nghị Nghị quyết lần này phải mang tính thực tiễn hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Để QH bàn và ra Nghị quyết thật hiệu quả, thật sự tạo chuyển biến trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông thì việc chuẩn bị Đề án cần đầy đủ hơn

Việc bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông rất cần thiết và nhất là xem xét ban hành Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Để mỗi lần QH bàn và ra nghị quyết thật hiệu quả, thực sự tạo nên sự chuyển biến với sách giáo khoa hoặc đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói chung trong giáo dục phổ thông, tôi đề nghị Đề án cần phải chuẩn bị đầy đủ hơn.

Thứ nhất, Đề án cần bổ sung nhiều nội dung thật cụ thể để biến các nghị quyết của Đảng vào đây cho rõ hơn. Tôi thấy lần nào chúng ta bàn, cách đây 14 - 20 năm cũng bàn dạy chữ, dạy người và bây giờ trong Đề án chúng ta cũng nói dạy chữ, dạy người. Nhưng cụ thể 20 năm trước dạy chữ, dạy người như thế nào và bây giờ như thế nào, đặc biệt sau khi có Hiến pháp  được QH thông qua có gì mới không? Có yêu cầu mới không? Điều 61 Hiến pháp mới có 3 khoản về giáo dục. Nghị quyết của QH triển khai sau khi ban hành Hiến pháp thì những nội dung hiến định có đưa vào Nghị quyết được không?

Về mặt chương trình, sách giáo khoa, chúng ta nhắc rất nhiều về khái niệm tích hợp, nguyên tắc tích hợp trong giáo dục. Cần làm rõ hơn tích hợp là gì? Tôi thấy cách xây dựng Đề án này chưa có cơ sở tích hợp, chưa sử dụng tích hợp. Ví dụ chúng ta chỉ chuyển hóa từ Nghị quyết của Đảng sang Đề án, nhưng đây là sự chuyển hóa dưới nội dung của một đề án để trình ra QH. Nhưng để có một nghị quyết QH ban hành làm cơ sở cho triển khai thực hiệån thì chưa rõ. Từng ý trong Nghị quyết của Đảng chưa được thể hiện rõ trong Đề án. Nghị quyết của Đảng nêu nhiều vấn đề, nhưng trong Đề án lại nêu quá chung. Đề nghị cần bổ sung, làm rõ thêm.

Điều 61 Hiến pháp mới quy định rõ phổ thông và tiểu học như thế nào? Trung học ra sao? Các cấp học bắt buộc phải thế nào? Phổ cập dần ra sao? Trong Đề án có nói những nội dung này nhưng chưa rõ. Tích hợp phải trên cơ sở ta đang đứng ở thế kỷ XXI thì giáo dục Việt Nam cần phải tích hợp gì những kiến thức của thế giới, của nhân loại không? Với Đề án này, tôi thấy không có một tài liệu nào tham khảo là hiện nay các chương trình sách giáo khoa của các nước thế nào, không có một chút tích hợp nào từ các kiến thức khác của chính trị, văn hóa, nhất là của Hiến pháp mới.

Đề án này liên quan rất lớn đến đời sống của nhân dân, con em chúng ta bao nhiêu thế hệ. Cứ loay hoay từ năm 2000 đến giờ, chưa rõ chúng ta đã làm đến đâu. Như Chủ nhiệm Trương Thị Mai nói có tổng kết không, tổng kết làm đến đâu, cái gì còn mắc, cái gì qua tổng kết đã đưa vào Luật Giáo dục? Luật Giáo dục đã qua mấy lần sửa đổi đã giải quyết được vấn đề chưa, còn vấn đề gì và có gì mới phát sinh? Phải nói cho rõ để QH có thể xem và quyết. Để tương xứng với gần 2 tỷ USD bỏ ra cho Đề án thì không phải là chuyện nhỏ. Do đó, việc chuẩn bị Đề án cần phải đầy đủ hơn và lấy ý kiến rộng rãi hơn, nhất là trong giới giáo dục, các chuyên gia và nếu cần phải lấy ý kiến của đông đảo nhân dân nữa. Không thể lần nào trình ra QH mươi năm lại đổi mới, nhưng không biết cái đang làm đúng hay sai, vướng ở đâu, do nghị quyết QH, do luật hay do tổ chức thực hiện? Đề án này là cần thiết, nhưng cần chuẩn bị để bảo đảm rõ hơn, đầy đủ hơn.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông 10 năm tới sẽ đưa nền giáo dục của nước ta đến mục tiêu và mức độ như thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO