Dấu ấn xóa đói, giảm nghèo ở Yên Bái

Đổi mới cách nghĩ, cách làm

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:16 - Chia sẻ
Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều chính sách, chương trình hành động thiết thực, 5 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 7,04%; diện mạo nông thôn từng bước thay đổi; đời sống của Nhân dân các dân tộc ngày càng khởi sắc...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm mô hình nuôi bò BBB (đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân) tại xã Minh An, huyện Văn Chấn
Ảnh: T. Hiếu

Nhìn từ huyện Mù Cang Chải

Là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, những năm qua, bên cạnh hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều sáng tạo trong cách thức hỗ trợ. Nhất là việc triển khai thực hiện mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khơi dậy được tinh thần tự lực của người dân.

Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kiến thức, gia đình Giàng A Chu (bản Hồ Nhì Pá, xã Lao Chải) là một trong những hộ nghèo ở xã. Năm 2018, với sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, anh Chu đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện mua 2 con trâu. Được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, chỉ sau 2 năm, gia đình anh đã có thêm 3 con trâu. Gia đình anh còn được tập huấn kỹ thuật để phát triển trên 3ha cây dược liệu. Sau khi có thu nhập, anh đã tích luỹ mua được máy đập lúa liên hoàn phục vụ bà con trong thôn tăng nguồn thu. Đến nay, không chỉ thoát nghèo, gia đình anh Chu còn trả hết nợ ngân hàng và vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có rất nhiều tấm gương sáng trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ông Sùng A Sào (bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải) là một điển hình. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây sơn tra khá cao, năm 2010, ông đã cùng gia đình trồng 9ha cây sơn tra, vụ thu hoạch vừa qua cho thu nhập hơn 230 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng ngô hè thu, làm lúa hai vụ và nuôi 11 con trâu đem lại thu nhập ổn định.

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên chia sẻ: Huyện đã tập trung xây dựng các kế hoạch và quyết liệt triển khai thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đến từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên. Trong đó, việc phát động và triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” được coi là bước đột phá. Theo đó, từng thành viên trong Ban Thường vụ Huyện ủy cho đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cấp huyện, xã dành ít nhất 2 ngày cuối tuần/tháng đến với xã, bản và từng hộ dân nơi được phân công phụ trách, giúp đỡ; để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở. Qua đó, đã tạo ra chuyển biến tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện.

Để người dân chủ động thoát nghèo, huyện đã đổi mới phương thức hỗ trợ, hạn chế cho không, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cho vay nhằm đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, kiên quyết không để tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện giảm 8,4%/năm, thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm, tăng 7,4 triệu đồng/người so với năm 2015.

Khu vực miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao so với bình quân chung cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng cao nhất cả nước. Sinh kế của người dân chủ yếu gắn với kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu vừa giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn, rất mong Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái  ĐỖ ĐỨC DUY

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nhìn từ Mù Cang Chải có thể thấy, công tác xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái luôn được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; là mục tiêu hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây chính là “kim chỉ nam” trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Giai đoạn 2015 - 2020, lần đầu tiên Tỉnh ủy Yên Bái ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững (Kế hoạch 131 năm 2019, Kế hoạch 170 năm 2020). Theo đó, chỉ tiêu giảm nghèo được giao cụ thể đến các xã, phường, thị trấn; từng cán bộ, đảng viên... với quyết tâm cao nhất để thực hiện. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21% thì nay chỉ còn 7,04% (năm 2020), đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ. Riêng hai huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định, mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025. Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm, riêng hai huyện 30a giảm bình quân trên 5,5%/năm; đến năm 2025, huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, Yên Bái xác định tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hóa nghị quyết vào cuộc sống bằng các giải pháp, chương trình hành động, việc làm cụ thể của mỗi cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Chia sẻ quyết tâm của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết: Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; đưa việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là khát vọng của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giảm nghèo. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo trong năm 2021. Qua đó, góp phần bổ sung, tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh.

TRỌNG HIẾU