Đối mặt với chiến tranh để truyền đi thông điệp hòa bình

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:00 - Chia sẻ
Trở thành nữ phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam những năm 1960, rồi lăn lộn khắp các chiến trường ác liệt của đất nước sau đó, Nguyễn Thị Xuân Phượng như một tấm gương cho các thế hệ trong ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam. Nói về bà, bạn bè và đồng nghiệp vẫn luôn nhắc đến hình ảnh một người luôn đau cùng nỗi đau nhân vật, thể hiện thái độ trách nhiệm với mỗi số phận con người, sự kiện của thời cuộc và đất nước.

Trong buổi ra mắt cuốn hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” chiều 21.9, nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng kể lại, năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên, bà được cử đi học y sĩ cao cấp và chuyển về làm việc tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, chăm sóc sức khỏe các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, nhờ thế bà được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia, nhà báo quốc tế.

Đạo diễn Xuân Phượng tại sự kiện ra mắt hồi ký chiều 21.9

Các bộ phim của đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng: “Việt Nam và chiếc xe đạp” (1974); “Tôi viết bài ca hồi sinh” (1979) - hai phim đoạt giải Bồ Câu Bạc tại LHP quốc tế Leipzig; “Khi tiếng súng vừa tắt” (1975); “Khi những nụ cười trở lại” (1976); “Hai tiếng quê hương” (1978) - ba phim được Bằng khen tại LHP quốc tế Leipzig. Và các giải thưởng trong nước: “Trên một đoạn đường Trường Sơn” - giải Cành Mai Bạc, kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam; “Giọt nước cao nguyên” - giải thưởng đặc biệt của UNICEF Việt Nam; “Ông Năm Yersin” - giải Bồ Câu Bạc tại LHP Việt Nam tại Đà Lạt. Xuân Phượng còn tham gia nhiều tác phẩm với các đoàn làm phim nước ngoài, hợp tác với các nhiếp ảnh gia, nhà làm phim, nhà văn, nhà báo, nhà thơ… nước ngoài trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Thông thạo tiếng Pháp, nên năm 1967 Xuân Phượng cùng với một số người phụ trách xưởng phim Việt Nam được Bác Hồ mời lên giúp ông Joris Ivens và bà Marceline Loridan, những người tình nguyện đến chiến trường ác liệt nhất làm phim về Việt Nam. Ông Joris Ivens (người Hà Lan) nổi tiếng về làm phim cách mạng, phim của ông có giá trị uy tín đặc biệt với quốc tế. Bà Marceline Loridan (người Do Thái gốc Ba Lan), là một nhân chứng sống thoát chết từ trại tập trung Auschwitz của phát xít Đức. Một đoàn làm phim được tổ chức khẩn trương, đưa vào Vĩnh Linh - vĩ tuyến 17, gồm bác sĩ kiêm phiên dịch, hướng dẫn và 7 người quay phim. Phim làm xong có tên “Vĩ tuyến 17 - Cuộc chiến tranh nhân dân”.

Nhớ lại hai tháng làm phim tại chiến trường Vĩnh Linh, bà Xuân Phượng viết trong hồi ký: “Được một chuyến đi không thể nào quên, được sống với những con người đặc biệt như Joris và Marceline, được tình thương mến đùm bọc hy sinh của các bạn trong đoàn, được tận mắt mình chứng kiến sự dũng cảm vô bờ, ý chí quyết tâm bảo vệ mảnh đất Vĩnh Linh, tuy đi có một đoạn đường nhưng tôi được học nhiều hơn là một sàng khôn”.

Cũng từ chuyến đi này, cuộc đời Xuân Phượng bắt đầu xoay sang một hướng khác. Bà xem ông Ivens là người thầy làm phim đầu tiên của mình. “Sau lần đi với tôi vào Vĩnh Linh, ông gọi tôi ra và bảo: ‘Tôi thấy Phượng có những năng khiếu của một người làm phim, nhất là những phim về chiến tranh. Bác sĩ hay phiên dịch đều rất cần thiết, nhưng tìm một nữ làm phim chiến trường ở Việt Nam thật không phải dễ dàng. Vì vậy, tôi hết lòng mong muốn Phượng mạnh dạn làm một cuộc cách mạng cho chính đời mình. Hãy đến với những công việc mà đất nước đang còn chiến tranh của bạn đang rất cần’. Tôi suy nghĩ rất nhiều về lời ông Ivens nói, có nên chuyển ngành không khi đã 37 tuổi mà công việc đang ổn định. Nhưng có đi, tôi mới biết dân mình khổ như thế nào trước bom đạn Mỹ. Tôi nhìn tấm gương của ông Ivens và bà Loridan để tự so sánh với mình. Người ta ở đâu đến đây, biết bao lần đối mặt với cái chết để đem được những hình ảnh tội ác của Mỹ đối với nhân nhân Việt Nam ra quốc tế, sao tôi là người Việt mà tôi còn đắn đo? Và tôi quyết định làm đơn xin chuyển, dù chồng tôi rất ngăn cản”.

Hồi ký "Gánh gánh...gồng gồng" của đạo diễn Xuân Phượng

Năm 1969, mặc dù đã bước vào tuổi 40, đã có ba con, bà từ giã cơ quan đầy đủ tiện nghi sang trọng, đầu quân làm biên kịch ở Xưởng phim Vô tuyến truyền hình thuộc Bộ Thông tin. Trở thành nữ phóng viên chiến trường duy nhất lúc đó, Xuân Phượng đi khắp các chiến trường ác liệt, từ Thanh Hóa, Quảng Bình đến Quảng Trị… Rất nhiều kỷ niệm khốc liệt và cả những nỗi ám ảnh khôn nguôi khi nhiều lần giáp mặt tử thần, như lần đầu đi vào tuyến lửa, 6 chiếc xe, 7 quay phim với phó đạo diễn Bùi Đình Hạc, xe toàn đi đêm chỉ để đèn bằng hạt đậu dưới gầm xe, bị bom bi ở Thanh Hóa suýt chết. Rồi trận bom tưởng mất xác ở phà Xuân Sơn, đèo Đá Đẽo - Quảng Bình…

Xuân Phượng xông xáo thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh chiến sự nóng bỏng tại các chiến trường, là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng ngày 30.4.1975… “Những bộ phim tài liệu của bà Xuân Phượng ngoài tính chính luận còn bộc lộ sự trăn trở của một nghệ sĩ luôn đau cùng nỗi đau nhân vật và thể hiện thái độ trách nhiệm với mỗi số phận con người, sự kiện của thời cuộc và đất nước”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định.

Sau giải phóng là chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc với những ám ảnh mà đến giờ mỗi khi nhớ lại bà Xuân Phượng còn rùng mình... Từ những chuyến đi làm phim chung với các ký giả Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan… trong lúc chiến tranh ác liệt, đạo diễn Xuân Phượng giúp họ tìm đến một sự thật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, để thông tin một cách chính xác điều gì đang xảy ra ở Việt Nam với sự có mặt của người Mỹ. Bao phen tưởng cùng chết chung vì bom, pháo Mỹ, hay nhiều lần dính pháo của quân đội Sài Gòn khi cùng phóng viên nước ngoài ra vùng giới tuyến, nhưng với bà, vào lúc đó, “phóng viên chiến trường là những người yêu hòa bình nhất, thấy chiến tranh phi lý nhất”.

Hồng Hà