Chiến tranh đi qua đã lâu trên vùng đất lửa, nhưng trong ngôi nhà của người đàn bà từng là nạn nhân bom mìn và nay là người mẹ ba con, nụ cười và nước mắt vẫn như là “khoảng trời và hố bom” vừa mới hôm qua…
Nhờ “Đời cát”, từ bóng tối ra ánh sáng
Ngôi nhà thấp mái, không quá chật và lụp xụp, nhưng cũng là xoàng xĩnh, vì những dấu vết chắp nối vụng về, rời rạc, thường thấy ở những nhà thiếu vắng đàn ông, hoặc có “sức khỏe tài chính” phập phù. Nhưng bù lại, là những tán cây xanh mát, cả cây ăn quả lẫn cây cảnh, trùm bóng quanh nhà. Lại còn có cả hòn tiểu cảnh phía trước cùng mấy lồng chim cảnh. Một cảnh nhà khá lạ: Nhìn từ ngoài vào thì rõ là điền viên, phong lưu, nhưng vào tới bên trong thì lại lúm nhúm, xộc xệch, cứ như đi lạc. Mãi về sau tôi mới biết, ra là nhà đó chị Bé ở nhờ người ta. Một thầy lang tốt bụng trong vùng vì thương cảnh đời chị côi cút lo toan đã sẻ bớt cho chị một khoảnh vườn, giúp chị dựng tạm chái nhà để sống.
Lúc tôi đến, chị Bé đang cho cậu con út ăn trưa. Thằng bé ăn rất ngoan, vừa đánh nhẵn bát bột, lại quơ tiếp bình sữa để “tráng miệng”. Khen thằng bé có cái nước ăn dễ, mẹ nó bảo, chắc tại thấy chị hồi giờ toàn sinh con một thân một mình, nên cả ba đứa trộm vía đều được giời cho khỏe mạnh, ăn dễ ngủ dễ. Mà khi chị đẻ nó cũng dễ nữa!
“Ba đứa con cùng một bố”, nhưng đó là người đàn ông vắng mặt mà ngay cả cái tên, chị Bé cũng đã phải thề “sống để dạ, chết mang theo”. Trong phim “Đời cát”, Hảo - nhân vật của chị từng lết cặp chân thiếu hụt của mình đến gặp Huy (Công Ninh thủ vai) để xin anh một đứa con, thì sau đó, chị Bé cũng quyết bắt chước vậy. Khác chăng là trong phim, người đàn ông chị thương năm lần bảy lượt từ chối, bằng một câu nói cay đắng đến phũ phàng “Hai đứa cộng lại cũng chỉ có một cái chân, làm sao mà đứng được!” (vì Huy cũng bị cụt một chân). Còn ngoài đời, chị Bé đã may mắn nhận được cái gật đầu của người đàn ông mà chị “nhắm”, tất nhiên cũng chẳng dễ dàng vì anh đã vướng đủ bề, để mà có thể trao cho chị, dù chỉ là lòng trắc ẩn. “Trước đó chưa bao giờ tôi dám mơ đến hạnh phúc ấy. Đến làm người còn chẳng ra người thì nói chi đến làm mẹ. Nhưng rồi chính “Đời cát” đã gợi ý cho tôi. Nhờ “Đời cát” mà cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn, từ bóng tối ra ánh sáng…” - Chị Bé nói.
![]() Chị Trần Thị Bé và các con |
“Không có thì thôi, có thì có cho tử tế!”
Chuyện bắt đầu từ khi chị thổ lộ điều đó với người bạn thân và bạn chị đã mách cho một “mối bảo đảm”, đúng như chị Bé muốn: Con cái nhà họ sinh ra khỏe mạnh, học giỏi, nhờ gene của bố. Anh lại cũng từng xem phim “Đời cát” và xúc động trước chuyện phim… Vậy là từ đó, chị Bé kiên trì theo đuổi mục tiêu mong manh ấy của mình, cho đến kỳ được thì thôi! Hỏi chị vì sao cứ nhất thiết phải là người đàn ông đó, thì chị cười bảo: “Tôi cần cái gene của họ. Không có thì thôi, có thì có cho tử tế!...”.
Nhưng sự đời khó nói, tới lúc có được đứa con gái đầu, chị lại muốn có thêm một đứa nữa cho nó “có chị, có em”. Còn tới đứa thứ ba thì là… lỡ! Lúc đó chị đã 48 tuổi, và cũng đã bẵng đi 5 - 6 năm mới được gặp lại người ta, vậy mà không ngờ, lại có. “Lúc đầu thấy cấn cá trong người, tôi cứ lo lo, hay là có khối u nào, nhỡ mệnh hệ gì thì ai nuôi con đây, thế là khóc suốt đêm. Mấy tháng liền không dám đi khám vì sợ phải đối diện với án tử. Cho đến lúc không thể không đi khám thì mới hết hồn trước tin mình có thai. Lần này thì không vui nữa mà là hoảng thực sự. Phần vì tuổi này, hoàn cảnh này mà còn có thai nữa thì kể cũng dị với người ta, và lo nhất là làm sao nuôi nổi ba đứa con trong tình cảnh của mình. Nhưng lỡ rồi, biết sao. Thôi thì hy vọng trời sinh voi sinh cỏ…”. Chuyện đã trôi qua hơn một năm mà chị Bé vẫn trào nước mắt khi kể lại.
Thấm thoắt vậy mà giờ con gái lớn của chị đã 15 tuổi, học lớp 10, đứa thứ hai 13 tuổi, học lớp 7, còn đứa thứ ba giờ đã được 15 tháng. Khó khăn đương nhiên là vây bủa đủ bề, khi trợ cấp xã hội dành cho người tàn tật như chị chỉ ở mức 400 nghìn đồng/tháng - chỉ đủ để trả góp khoản vay 20 triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo, còn nữa là trông hết vào gánh hàng quà sáng của chị ở mé chợ Đông Hà, chủ yếu bán cho học sinh nên ba tháng hè đành nghỉ. Thương mẹ, cô con gái lớn non năm nay cũng phải lên mạng mày mò học cách làm món kimbap của Hàn Quốc rồi lụi cụi đi bỏ mối cho người ta, mỗi hộp lãi được chừng 2 nghìn đồng, hoặc thỉnh thoảng lấy ít quần áo ngoài Hà Nội, về rao bán trên mạng, cũng kiếm nhì nhằng được ít đồng, đỡ mẹ... Nhưng chị Bé không dám để cho con làm nhiều, vì cháu đang học tốt, nhỡ đâu lại sao nhãng, phí ra…
Nặng gánh vì con, nhưng một mặt, cũng lại nhờ các con mà chị Bé tìm thấy động lực sống mạnh mẽ cho mình và tạm quên đi những vết thương cũ lâu lâu lại tái phát khiến chị đau nhức, nhiều lúc tưởng chừng không lết dậy nổi. Cũng nhờ hạnh phúc làm mẹ mà chị Bé đã vươn lên làm một người khuyết tật chiến thắng được mặc cảm. Ba năm sau khi bộ phim “Đời cát” đóng máy, khi đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn, người ta đã thấy chị Bé vừa vật vã mưu sinh vừa quần quật tập luyện rồi tham gia giải thể thao dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, giành hai Huy chương Bạc ở các cự ly 3.000m và 800m, tiếp đó là có mặt tại ParaGames… Chưa hết, năm 2003, chị còn được Handicap (Tổ chức phòng chống tàn phế và phục hồi chức năng người tàn tật quốc tế) mời tham gia cuộc diễu hành vòng quanh Luxembourg cùng nhiều gương khuyết tật vượt khó tiêu biểu để truyền đi thông điệp lạc quan cho cộng đồng người khuyết tật trên khắp thế giới…
Hạnh phúc có được, dù vẫn còn phải ngậm cả những niềm đau riêng, chỉ biết nuốt ngược vào trong, nhưng chị Bé nói rằng chị vẫn bằng lòng. Vì ít nhất, chị đã hạnh phúc hơn cô Hảo trong “Đời cát”, và không còn là một hạt cát nhỏ nhoi bị cuộc đời vùi lấp, bỏ sót…
Ai đó đã nói rằng, khi nắm một nắm cát trong tay, nếu ta càng nắm chặt, thì cát lại càng rơi đi mất. Hảo của “Đời cát” có lẽ đã chọn cách khác: Một tay nắm chặt, còn tay kia hứng lấy, để những hạt cát quý giá, đừng rơi!