Đọc sách: Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:53 - Chia sẻ

Địa điểm vẫn chỉ là một cái quán Kairotei đó, nhưng đã có hai vụ cháy, một vụ mở đầu và một vụ kết thúc truyện. Vụ cháy thứ hai là để báo thù cho vụ cháy thứ nhất. Giữa hai vụ cháy là quá trình tự điều tra của một thiếu phụ ba mươi hai tuổi, đóng giả làm một bà già gần bảy mươi.

Những người liên quan tập hợp nhau lại trong quán để nghe công bố về di chúc của ông đại gia đã khuất. Bất ngờ người ta nghe đồn có một bức thư tiết lộ về thủ phạm vụ cháy tàn khốc xảy ra trước đó. Một số kẻ trong quán đang tìm cách đoạt lấy lá thư đó. Và đã xảy ra hai vụ án mạng liên tiếp. Những người trong cuộc nghi ngờ lẫn nhau. Cảnh sát đến điều tra cũng tưởng như bị lạc lối trong những tình tiết rắc rối. Người đọc sẽ bị cuốn theo những tình tiết khó lý giải để đi đến một cái kết cục bất ngờ.

- Trang 105: tham sân siu - người dịch dùng sai chữ. Sân siu chỉ có nghĩa là sự tính toán không quá chi li. Còn ngữ đúng của nó phải là tham sân si, tức là ba thuộc tính mà con người cần loại bỏ: tham lam, thù hận, ngu dốt.

- Trang 106: tối thiểu nhất - “tối” đã có nghĩa là tột cùng, là nhất. Tối thiểu nhất là viết thừa.

- Trang 16: bình phục lại. Trang 108: hoàn toàn không kháng cự lại. Trang 178: tôi đã phản bội lại ông ấy. Trang 257: Naoyuki đã phản bác lại - trong cả mấy câu này đều thừa chữ “lại”. Người dịch đã lạm dụng văn nói khi viết.  

- Trang 31: một nam thanh niên trẻ. Trang 43: các cô gái trẻ - “thanh niên” có nghĩa là tuổi xanh. Một người tuổi xanh chắc chắn là trẻ. Một cô gái/một chàng trai cũng chắc chắn là trẻ. Viết thế này là thừa chữ.  

Ảo dạ

Sau cơn động đất, anh ta lợi dụng lúc ông cậu bị thương trong đống đổ nát để đập chết ông ta, xóa luôn một khoản nợ. Anh gặp một cô gái xinh đẹp, cứu cô ta khỏi tay một bọn người tấn công, rồi cùng cô ta rời Kyoto lên thủ đô. Ở đây bắt đầu những vụ án mạng bí hiểm liên quan đến cô gái.

Cũng giống như cái kết của Bạch dạ hành, ở đây câu chuyện đã kết thúc mà không sa vào công thức của truyện trinh thám là ta thắng địch thua. Vụ án chỉ còn một li nữa là được phá thì sa vào bế tắc hoàn toàn. Người đi phá án và một thủ phạm đồng thời là nhân chứng đã bị xóa sổ. Thủ phạm thực sự nhờ vậy mà sẽ thản nhiên sống tiếp, không còn ai để mà điều tra và làm nhân chứng cho tội ác của hắn.

Truyện trinh thám thường sa vào công thức: ta thắng địch thua. Một vụ án dù phức tạp thế nào, cuối cùng cũng bị phanh phui, thủ phạm bị bắt hoặc bị giết. Cái công thức ta thắng địch thua ấy khiến nhiều khi người ta không coi truyện trinh thám là một thể loại văn chương.

Nhưng truyện của Keigo thì khác. Trong Bạch dạ hành, ta thua địch thắng. Trong cuốn Ảo dạ này cũng vậy, kết cục là người đi phá án và nhân chứng đều bị xóa sổ. Thủ phạm nhờ thế mà sẽ không bị pháp luật động đến.

Keigo là tác giả chủ ý phá vỡ công thức của truyện trinh thám.

Sách của Keigo gần đây dịch ra tiếng Việt đã khoảng mười cuốn. Cuốn nào cũng hấp dẫn nhưng hay nhất vẫn là Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (một câu chuyện kỳ ảo mơ màng), Bí mật của Naoko (câu chuyện kỳ lạ và độc đáo), Bạch dạ hànhẢo dạ (hai cuốn tiểu thuyết trinh thám mà phản trinh thám).

Hồ Anh Thái

------

* Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei, tiểu thuyết của Higashino Keigo, Dã Tràng dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội 2020.

* Ảo dạ, tiểu thuyết của Higashino Keigo, Bảo Ngọc dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội.