Sử thi Mahabharata đã nhiều lần được dựng thành phim ở Ấn Độ, nhưng có một bộ phim độc đáo do đạo diễn người Anh Peter Brook dựng và do Pháp sản xuất năm 1989. Bản phim này được chuyển từ chính vở kịch năm 1985 của Peter Brook dài chín tiếng đồng hồ, bắt đầu trên sân khấu Pháp rồi được lưu diễn qua nhiều nước. Khi lên phim, độ dài được rút lại còn sáu tiếng. Phim đoạt giải truyền hình Emmy dành cho diễn xuất và nhiều giải thưởng quốc tế khác.
Một trong những nét độc đáo là đạo diễn sử dụng dàn diễn viên thuộc mười bảy nước và nhiều chủng tộc: trong năm anh em Pandava, võ sĩ Bhim là người da đen, bốn người kia là người châu Âu. Bà mẹ Kunti là người da màu. Vợ ông vua mù và Pandu là người Đông Á. Chỉ có một diễn viên người Ấn Độ đóng vai nàng Draupadi… Về dàn diễn viên đa sắc tộc này, nhà phê bình Sanjukta Sharma viết: “Thiên sử thi trở nên dễ hiểu và phổ quát - và cho chúng ta biết tại sao một thứ nhân văn một cách quyến rũ như Mahabharata không nên chỉ thuộc về một quốc gia hay một chủng tộc”.
Bộ phim được dàn dựng theo lối sân khấu. Những cảnh chiến trận, hoặc ngoại cảnh, vẫn quay ở ngoài trời, nhưng rút rất nhanh ống kính vào một góc, để dựng mảng miếng theo kiểu sân khấu.
Cảnh dũng sĩ Abhimanyu (con trai Arjuna) mở đường vào giữa đội hình kẻ thù nhưng không thể mở được đường ra: trong khói lửa mù mịt, đội hình giặc được dàn dựng là những người lính cầm mộc cao lấp đầu người, chen sát bên nhau. Abhimanyu cầm kiếm xông vào, đi đến đâu, những kẻ cầm lá chắn dạt sang một bên, như bị rẽ lối. Abhimanyu lọt vào giữa rồi, những kẻ cầm lá chắn chạy trở lại chỗ cũ, bịt mất lối ra. Chàng tả xung hữu đột, đập vào một lá chắn, nó tách ra, để lộ một khoảng trống bên trong, với những tướng lĩnh của đối phương lăm lăm vũ khí. Abhimanyu chiến đấu, lần lượt đánh ngã chúng, rồi lại đập vào một hàng lá chắn khác, buộc chúng tách ra, mở đường vào bên trong... Lúc đó, Bhim điên cuồng xông tới, cứu viện cho đứa cháu, nhưng hàng rào lá chắn quá dày đặc, tượng trưng cho đội hình giặc, không sao lọt được vào bên trong...
Dẫn chuyện là một chú bé. Phim mở ra khi chú bé bước vào một thiền viện trong hang đá, đi qua các phòng thờ cúng, cuối cùng gặp một hiền triết, đồng thời là một nhà thơ dân gian ở phòng trong cùng. Ông này là hiền triết Vyasa, người kể lại câu chuyện Mahabharata. Một người đội mặt nạ đầu voi, tự xưng là thần Ganesha ngồi chép lại câu chuyện. Rồi sau đó thần Ganesha bỏ đầu voi ra, hóa ra là thần Krishna. Krishna nằm xuống ngủ một giấc, tỉnh dậy đã thấy nằm ở giữa nhà, có năm anh em Pandava và bà mẹ Kunti ngồi chầu xung quanh.
Từ đó, người kể chuyện và chú bé đi khắp nơi, vào các vương quốc, ra chiến trường, làm người thuyết minh cho ông vua mù về diễn biến trên chiến trường, theo Yuthisthira lên thiên đường và xuống địa ngục. Kết thúc phim, bản trường ca đã viết xong, thần Ganesha đầu voi mình người trao sử thi lại cho chú bé. Chú bé cầm cuốn sách to và dày đi dần ra cửa hang...
Diễn viên diễn xuất với một trình độ khai thác tâm lý cao, đặc biệt là Miriam Goldschmidt vai bà mẹ Kunti, và Lou Elias Bihler vai chàng Karna - hai diễn viên người da màu...
Nhân nói về bộ phim sử thi, ta cùng trích lại một số đoạn trong bản sử thi rút gọn Mahabharata do Cao Huy Đỉnh và Phạm Thủy Ba dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học 2004:
Hiền triết Vyasa nói với bà Kunti: “Không một người có phẩm hạnh nào lại đủ kiên cường để suốt đời giữ vững phẩm hạnh, cũng như không một kẻ tội lỗi nào lại quá xấu xa để sống trọn vẹn cuộc đời trong vũng lầy tội lỗi” (chương 14).
Lời của dân chúng ở một tiểu vương quốc: “Vị vua chính thống của chúng tôi không đủ sức bảo vệ chúng tôi. Làm công dân một xứ mà nhà vua quá yếu ớt thì không nên lập gia đình và sinh con đẻ cái. Chỉ ở dưới quyền cai trị của một vị vua tốt và hùng mạnh thì gia đình mới có cuộc sống xứng đáng, có gia phong và hạnh phúc êm ấm” (chương 15).
Võ sĩ Bhima nói với anh trai là vua Yuthisthira: “Tham vọng là đức tính cao quý nhất của một vị vua. Có sức mạnh là một ưu điểm, nhưng nếu người ta không biết đến sức mạnh của mình thì điều ấy nào có nghĩa lý gì? Kẻ nào bỏ được tính chây lười và biết sử dụng thích đáng những thủ đoạn chính trị, kẻ đó có thể chiến thắng ngay cả ai mạnh hơn mình”.
Tiểu vương Duryodhana: “Thỏa mãn với cái phần thuộc về mình, đấy không phải là cốt cách của một người đẳng cấp quân vương Kshatriya. Sợ sệt và thương xót là tính cách thấp kém nhất của bậc vua chúa… Sự chịu đựng và tính an phận tuy là bổn phận của người bình thường, nhưng không phải là đức tính của các vị vua chúa… Chính sách của các bậc quân vương phải khác xa những châm ngôn tinh tế của các bản kinh, và phải là thứ cứng rắn nhất, mà chiến thắng là một cách thể nghiệm” (chương 23).
Khi có người vạch ra rằng tráng sĩ Karna là con trai một người đánh xe, tức là thuộc đẳng cấp thấp kém, Duryodhana đứng ra bào chữa cho Karna: “Không có nghĩa lý gì khi muốn tìm anh hùng xuất chúng và sông lớn mà phải lần tới tận nguồn. Ta có thể nói cho ngươi biết hàng trăm điều về những bậc vĩ nhân thuộc loại người hèn hạ...”.
Hiền triết Vyasa luận về thói xấu của con người: “Con người nhiều khi cố tình đâm đầu vào chỗ diệt vong do ba nguyên nhân: ham mê nhục dục, cờ bạc, rượu chè” (chương 24).
Sukra khuyên con gái là Đêvayani: “Kẻ nào kiên nhẫn chịu đựng những điều xúc phạm của những người xung quanh, kẻ ấy sẽ chinh phục được thế giới. Kẻ nào kiềm chế được cơn nóng giận của mình như một tay kỵ mã trị được con ngựa bất kham, kẻ đó mới thực sự là một người đánh xe chứ không phải một kẻ tay biết cầm dây cương nhưng không điều khiển được ngựa, mặc nó muốn đi đâu tùy thích. Kẻ nào trút được cơn nóng giận đúng như rắn trút bỏ xác, kẻ đó mới thực sự là một trang anh hào. Kẻ nào không bị gục trước những đau khổ tột cùng do người khác gây nên, kẻ đó đã thực hiện được mục đích của mình. Kẻ nào không bao giờ nổi giận, kẻ ấy đứng cao hơn người thành tâm cúng tế trong một trăm năm, những buổi tế sinh do sách kinh bảo ban quy định. Đầy tớ, bạn bè, anh em, vợ con, đạo đức và lòng trung tín sẽ rời bỏ người nào để cho cơn nóng giận lôi cuốn. Người khôn ngoan không nên bận lòng vì lời nói của bọn tiểu nhân” (chương 5).