Đọc sách: Những chiếc ô va vào nhau

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:23 - Chia sẻ

Tôi đọc Đời nhẹ khôn kham lần thứ hai, sau khoảng mười tám năm. Cùng lúc xem lại phim lần thứ bảy. Phim đã gạn lọc ra được phần tinh của sách, rất ra không khí Đông Âu thời xã hội chủ nghĩa. Phim cũng có phần hơi cốt truyện hóa tiểu thuyết, và tất nhiên không thể hiện được đầy đủ phần luận của sách. Nghe đâu Milan Kundera không hài lòng với phim, và sau khi xem phim, ông đã viết trong cuốn Sự bất tử: “Thời đại mới đang sục vào tất cả những gì được viết ra trước đây để chuyển thành phim, thành chương trình truyền hình hay thành phim hoạt hình. Vì thế điều quan trọng nhất trong tiểu thuyết chính là cái không thể nói bằng cách nào khác hơn tiểu thuyết, khiến cho mọi sự phóng tác nó đều không thể được. Nếu một kẻ điên nào hôm nay vẫn còn viết mà muốn giữ được những tiểu thuyết của mình thì hắn ta phải viết sao cho không ai có thể phóng tác được chúng, nói cách khác, viết sao cho không thể thuật lại được”.

Với công chúng công bằng thì bộ phim cũng là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có thể xem lại nhiều lần, với những nghệ sĩ hàng đầu như Daniel Day-Lewis, Juliette Binoche, Lena Olin…

Có thể ghi lại nhiều đoạn đáng trích dẫn, nhưng ở đây chỉ dẫn vài đoạn mà lần đọc lại đã khiến người ta phải dừng lại chốc lát:

“Trời mưa phùn. Ai cũng vội vã bước tới, mọi người đồng loạt giương dù lên che đầu và lập tức đường phố đông như nêm cối. Những cây dù va vào nhau. Đàn ông còn lịch sự, khi đi ngang Tereza họ giương dù lên cao nhường chỗ cho cô bước qua. Đàn bà không thế. Họ nhìn thẳng phía trước, chờ đợi người đàn bà kia chấp nhận yếu kém hơn và lạng người sang bên tránh chỗ. Va dù vào nhau là thử thách sức mạnh” (trang 207).

(Tình cờ, lâu nay vẫn thường quan sát những người đàn bà giương ô dưới trời mưa và mặc cho ô va vào nhau, kiểu vô tình hoặc cố ý, đúng như Milan Kundera miêu tả).

Tác giả nói về những chế độ toàn trị: “Người nào nhận định các chế độ mafia chính trị đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người ấy không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải bọn cướp, chúng là những kẻ cuồng nhiệt bám chắc vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến thiên đàng. Chúng kiên quyết bảo vệ con đường đó, đến nỗi không ngần ngại giết hại không biết bao nhiêu mạng người” (trang 271).

Còn đây là tư tưởng có phần chịu ảnh hưởng từ thuyết khổ vì tham ái của nhà Phật: “Có lẽ sở dĩ chúng ta không yêu thương được ai là vì chúng ta khao khát được yêu thương, điều đó có nghĩa là chúng ta đòi hỏi cái gì đó (tình yêu) từ người bạn đời thay vì dâng hiến chính chúng ta cho người kia mà không kèm theo yêu cầu nào ngoại trừ sự có mặt của người đó” (trang 453).

Hồ Anh Thái

------

* Đời nhẹ khôn kham, Milan Kundera, Trịnh Y Thư dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.