Đọc sách: Đêm giới nghiêm - hồi ức về cuộc sống, tình yêu và chiến tranh ở Kashmir

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:09 - Chia sẻ
Phóng sự dài, gần 400 trang về Kashmir, chủ yếu là từ 1989 đến 2005, thời gian đặc biệt căng thẳng khi nổ ra bạo loạn ở Kashmir, vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong vùng do Ấn Độ kiểm soát, tâm lý chống Ấn Độ tăng mạnh kể từ 1989, sau khi lực lượng Hindu cực đoan tấn công người Hồi giáo ở Ayodhya và trên khắp đất nước. Tại Kashmir, thanh niên bỏ nhà trốn sang Pakistan, theo một khóa huấn luyện ngắn rồi quay về thành lực lượng kháng chiến chống chính quyền Ấn Độ. Quân đội và cảnh sát thẳng tay đàn áp. Kể từ đó, hơn 70.000 người đã bị giết, ở cả bên chính quyền lẫn các phe phái kháng chiến.

Những gia đình tan nát, những số phận oan ức đau thương. Tác giả chọn lựa được những câu chuyện điển hình để đánh động dư luận quốc tế. Về thao tác tổng hợp và phân tích sự kiện, cũng như về cách dẫn giải vấn đề, cuốn sách này đặc biệt xuất sắc, thậm chí gây ấn tượng hơn những cuốn phóng sự của cây bút được giải Nobel người Belarus, Svetlana Alexievich (Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ).

Người dịch hoàn thành công việc của mình, nhưng nhiều chỗ còn chưa thoát được ngôn ngữ gốc, quá nệ vào ngôn ngữ gốc theo kiểu dịch đúng từng từ, thành ra có khi lại không chính xác nghĩa. Ví dụ: một cuốn sách, tiếng Anh còn gọi là một copy, nhưng chuyển sang tiếng Việt mà lại là “một bản copy sách” (trang 342) thì sẽ được hiểu rằng đấy không phải là cuốn sách gốc, mà là một cuốn sách bị photocopy. Hoặc “Tôi đã ngồi nhiều giờ dài trong thư viện của cha” (trang 87), người dịch đã dịch đủ cả chữ “dài” trong tiếng Anh mà không nhất thiết phải giữ lại trong tiếng Việt.

Một số chỗ người dịch cần lưu ý:

- “Dần dần tôi nhìn trở lại và cố bóc tách mình khỏi ký ức về cái giây phút đã làm thay đổi con người tôi đã và sẽ là” (trang 39).

Đây quả thực là một câu văn theo kiểu Tây An Nam.

- “Lính bán quân đội Ấn Độ” (trang 39 và nhiều trang khác).

Nên dịch là lính bán quân sự/ bán vũ trang.

- “Người dẫn đường bên Sri Lanka đáp lại” (trang 76)

Người dịch nhầm, chỗ này đúng ra là Srinagar.

- “Ông Sikhs đã không thể thuê được một căn hộ nào” (trang 156).

Thực ra chữ Sikhs phải dịch là “Đám người Sikh”, không phải là một ông tên là Sikhs. Sikh là một tôn giáo ở Ấn Độ, và chữ Sikhs chỉ những người theo đạo Sikh. Và khi dịch, nếu nhắc lại một từ gốc, người ta dùng từ nguyên thể, chứ không để nguyên từ số nhiều như vậy.

- “Người ta có thể nhận ra điều đó qua cái mũi dài và nước da tái nhợt của tôi” (trang 156).

Người da màu, như người Ấn Độ hay người Việt Nam chẳng hạn, nếu có nước da trắng (như cách gọi ở ta) thì trong tiếng Anh người ta sẽ dùng từ “pale” (tái, tái nhợt, vì họ không trắng theo kiểu chủng tộc người da trắng). Vậy người Kashmir có nước da sáng màu mà bị dịch là “tái nhợt” thì nghe như bị ốm hoặc đang sợ hãi đến… tái người.

- “Chú Gulzar là em họ của mẹ tôi” (trang 282).

Thế thì phải dịch là “Cậu Gulzar”.

_________

* Đêm giới nghiêm - hồi ức về cuộc sống, tình yêu và chiến tranh ở Kashmir, phóng sự của Basharat Peer, NXB Trẻ.

Hồ Anh Thái