Đọc Phố Hoài
Những sự kiện, chi tiết, chất liệu sống ngồn ngộn trong chiều dài 70 năm của đất nước được nữ nhà văn ồ ạt đưa vào cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang của chị.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các ý kiến đánh giá về “Phố Hoài” - cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt của nhà văn Trần Thị Trường đều gặp nhau ở một điểm: Đây là cuốn sách viết một cách chân thật, cảm động về một thời chiến tranh, thời bao cấp, thời ấu trĩ, nghèo đói đã qua. Đọc bất kỳ trang nào của cuốn sách, bạn đọc cùng thời với chị đều thấy mình có mặt trong đó. Những sự kiện, sự việc, hoàn cảnh của các nhân vật đều ứng với những gì họ từng trải qua. Nhiều người bảo họ đã khóc khi đọc cuốn sách này. Chạm đến trái tim người đọc là việc không phải nhà văn nào cũng làm được.
![]() |
Gần 400 trang sách, nếu nhìn từ góc độ ngại đọc dài hiện nay, thì quả “Phố Hoài” dài thật. Nhưng với không gian - thời gian mà nó muốn bao quát, thì số trang ấy lại là không đủ. Thời gian 70 năm, một đời người, bắt đầu từ chiến tranh chống Mỹ cho đến ngày nay, với hầu hết những sự kiện to lớn diễn ra: Các cuộc chiến tranh liên miên, giai đoạn kinh tế bao cấp kéo dài ở miền Bắc; cải tạo công thương trong Nam; những vấn đề tôn giáo, văn hóa, xã hội; cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử nước Việt; Kiều nạn; thời kỳ Đổi mới, mở cửa kinh tế, văn hóa... Không gian thì ngoài Hà Nội, Sài Gòn là hai trường hoạt động chính của các nhân vật, nó còn mở rộng tới biên giới Tây Nam, sang Campuchia, lên biên giới phía Bắc, sang Hồng Kông, Trung Quốc, tới Đông Âu, rồi tới Mỹ... So với không gian - thời gian trong “Phố Hoài” thì “Chiến tranh và hòa bình” còn... “thua xa” (có mỗi cuộc chiến tranh chống Napoleon năm 1812; các sự kiện diễn ra chủ yếu ở Moskva và Peterbua). Ấy vậy mà cụ L. Tolstoi, viết theo kiểu cổ điển, đã phải cho ra một đại tiểu thuyết - sử thi 2 tập dầy cộp. Nói thế để thấy tham vọng viết về một thời đại lịch sử ăm ắp sự kiện, con người, mà chỉ gói gọn trong ngần ấy trang sách, nhà văn đã đặt cho mình một nhiệm vụ lớn lao và hết sức khó khăn.
Là bởi, với số trang như vậy, muốn chuyển tải một không gian - thời gian hoành tráng như “Phố Hoài”, đòi hỏi một cách kể chuyện, dàn dựng kết cấu khác, phù hợp với nó và phải tỉnh lược rất nhiều thứ rườm rà, rối mắt. Trong “Phố Hoài”, lối kể chuyện tuyến tính thông thường, thật thà, không sử dụng bất kỳ thủ pháp trần thuật tân kỳ nào, buộc phải trải nhân vật ra, liên tục bổ sung lớp nhân vật mới, kể cả khi tác phẩm sắp kết thúc, ngõ hầu “gánh vác” các nhiệm vụ tiếp tục nẩy sinh trong ý đồ của tác giả. Ở đây, nhà văn đã phá vỡ mọi khung khổ, nguyên tắc xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực đòi hỏi phải có tính cách điển hình bao chứa một thế giới nội tâm phong phú, được khắc họa bởi cái gọi là “chủ nghĩa tâm lý” .
Trong “Phố Hoài”, các nhân vật được chia theo nhiều tuyến, nhóm do từng cặp tình nhân “phụ trách”: Cặp Nam - Thanh; Hoàng - Lan; Quyết - Hằng; Hùng - Thúy; A Hòa - Liên... Mô tả số phận của lớp trai thanh gái tú thời kỳ đó cùng những trí thức nổi tiếng khác, tác giả có tham vọng phục dựng, thông diễn thời đại lịch sử đã qua, cố tìm ra cái bản chất cốt lõi của nó, ngõ hầu lý giải những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Tuy nhiên, những sự kiện, chi tiết, chất liệu sống ngồn ngộn được ồ ạt đưa vào tác phẩm, khiến chân dung các nhân vật vốn không được neo giữ trong tâm tưởng người đọc bằng tính cách tâm lý sắc nét, trở nên nhạt nhòa, không đủ sức gắn kết với nhau làm thành một bức tranh nghệ thuật tổng thể.
Nhưng, có vẻ như tác giả không để ý tới điều đó. Chị thậm chí còn muốn đưa vào càng nhiều càng tốt những con người - chứng nhân lịch sử, những sự kiện, những vấn đề, như thể sợ rằng hậu thế sẽ lãng quên cái thời gian khó đó. Cái thời in quá đậm nét trong tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương của nữ nhà văn - họa sĩ. Cái thời, như nhà thơ Esenin nói về thế hệ mình - “Chúng ta không sống, chúng ta buồn”. Và tác giả đã mô tả cái thời gian khó ấy một cách hết sức trung thực, với tư cách người trong cuộc. Để nhấn mạnh tính trung thực, chị thậm chí còn bê nguyên xi “người thật, việc thật” - những trí thức lớn, những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với tên thật của họ vào sách của mình dưới dạng những phác thảo. Độc giả đánh giá cao tính trung thực đó.
Khát vọng phục dựng sự thật lịch sử, lý giải nó thông qua số phận con người, chất liệu sống ngồn ngộn, đa dạng thông tin, chính là sức mạnh của “Phố Hoài”, khiến người đọc thích thú đón nhận cuốn sách và dễ dàng thể tất một vài khiếm khuyết về phương diện nghệ thuật của nó.