Định hướng hoàn thiện Bộ quy tắc đạo đức ứng xử trong hoạt động tư pháp

Độc lập, chuyên nghiệp và liêm chính

- Thứ Sáu, 18/12/2020, 07:07 - Chia sẻ
Một phương hướng quan trọng của Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận 84 - KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp và những người hoạt động bổ trợ tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ. Tại hội thảo do Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả các bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại nước ta thời gian tới.

Kiên định với chuẩn mực đạo đức

Hiến pháp 2013 nêu rõ, cán bộ ngành tư pháp phải "tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Hiến pháp cũng xác định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và yêu cầu bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của Tòa án - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tại Kết luận 84, Bộ Chính trị xác định xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp phải thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng phát biểu tại Hội thảo Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng phát biểu tại Hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Tại hội thảo "Định hướng hoàn thiện các bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam", các đại biểu đều cho rằng, song song với công tác hoàn thiện thể chế và chất lượng quản lý nhà nước đối với hoạt động tư pháp, chuẩn mực đạo đức của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chất lượng của hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Xây dựng và áp dụng các Bộ quy tắc đạo đức ứng xử (Bộ quy tắc) trong hoạt động tư pháp sẽ giúp tăng cường chuẩn mực đạo đức và tạo nên văn hóa liêm chính trong các hoạt động tư pháp của Tòa án, Viện kiểm sát, luật sư và các chức danh bổ trợ tư pháp khác. Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Từ kết quả nghiên cứu Bộ quy tắc hiện nay của 3 nhóm chủ thể thực hiện các chức năng chủ yếu trong hoạt động tư pháp gồm thẩm phán (người xét xử), kiểm sát viên (bên buộc tội, đại diện lợi ích công) và luật sư (bên gỡ tội, bảo vệ lợi ích người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật hoặc theo hợp đồng), Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, chỉ rõ: Nội dung các Bộ quy tắc của thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư nước ta nhìn chung đã tiệm cận với tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế về thi hành các Bộ quy tắc đạo đức ứng xử, đặc biệt là Bộ quy tắc của thẩm phán năm 2018. Tuy nhiên, các Bộ quy tắc của 3 chủ thể này ở nước ta hiện khá độc lập, chưa có mối liên hệ một cách hệ thống với nhau dù cùng điều chỉnh hoạt động tư pháp.

Mặt khác, văn bản của Tòa án, Kiểm sát và Luật sư đều có quy định về hoạt động giám sát thường xuyên và xử lý kỷ luật trong trường hợp vi phạm các quy tắc đạo đức ứng xử. Nhưng các quy định về xử lý kỷ luật chưa thật sự phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động tư pháp và không tham chiếu cụ thể, rõ ràng tới các bộ quy tắc đạo đức ứng xử của các ngành khác. Các bộ quy tắc này cũng chưa giải thích nội dung quy tắc, trong khi một số quy tắc chưa rõ ràng hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thực tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi các bộ quy tắc.

Nêu thực tế này, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị, cần thiết lập cơ chế xử lý vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử minh bạch, bảo mật và công bằng; đồng thời, phải bảo đảm tiêu chuẩn đãi ngộ hợp lý cũng như sự an toàn cho những người công tác trong ngành tư pháp để họ yên tâm công tác và có thể kiên định với các chuẩn mực đạo đức, ứng xử mà ngành đặt ra. 

Củng cố tính chuyên nghiệp, sự liêm chính

Ở nước ta, thẩm phán, kiểm sát viên đều là cán bộ, công chức. Do đó, các đối tượng này phải đồng thời tuân thủ cả Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và quy định, quy tắc áp dụng chung cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, phần lớn thẩm phán, kiểm sát viên và một bộ phận luật sư là đảng viên, nên cần nghiên cứu các quy định, quy tắc về phẩm chất đạo đức và ứng xử của đảng viên để xác định rõ hơn mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động tư pháp với việc bảo đảm sự độc lập và chất lượng của hoạt động tư pháp.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, cần có hướng dẫn mang tính định hướng về xây dựng và thực thi các bộ quy tắc trong hoạt động tư pháp để bảo đảm được các định hướng đối với hoạt động tư pháp như trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định là “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. 

Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, một văn bản định hướng như vậy sẽ giúp củng cố tính chuyên nghiệp, liêm chính trong hoạt động tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Cùng với đó, phải phân biệt rõ quy định nào "cứng" để quy phạm hóa, quy định nào "mềm" thì đưa vào quy tắc đạo đức ứng xử. Nhấn mạnh điều này, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng thừa nhận, để xác định chính xác quy định nào "mềm", quy định nào "cứng" thì phải nghiên cứu chuyên sâu hơn. 

Nhằm xây dựng cơ chế rành mạch giải quyết vi phạm pháp luật và vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử, các đại biểu cho rằng, phải có cơ chế giải quyết minh bạch giữa tiêu chuẩn đạo đức của đảng viên với kỷ luật, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và Bộ quy tắc. Bởi có luật sư không phải công chức và cũng không phải đảng viên; ngược lại, thẩm phán, kiểm sát viên không thể là người ngoài Đảng và càng không thể hành nghề tự do. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng, cần nghiên cứu thêm để giải quyết vấn đề này nếu không sẽ rất vướng khi ban hành Bộ quy tắc trong hoạt động tư pháp.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Hưng, các bộ quy tắc đạo đức ứng xử trong hoạt động tư pháp nên được thống nhất xây dựng thành 3 cấu phần chính: Một là, các chuẩn mực đạo đức; hai là, các quy tắc ứng xử nghề nghiệp; ba là, các giải thích, hướng dẫn thực thi các chuẩn mực, quy tắc. Mỗi bộ quy tắc của từng ngành có thể có khác biệt phù hợp với đặc điểm của ngành đó nhưng việc hình thành các nội dung cốt lõi và cấu trúc các bộ quy tắc sẽ giúp các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các ngành, lĩnh vực khác trong hoạt động quản lý nhà nước hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý và Nhà nước pháp quyền. Hơn nữa, khi công chúng hiểu được giá trị, vai trò của các bộ quy tắc đạo đức ứng xử thì vai trò giám sát của công chúng đối với các hoạt động tư pháp sẽ được phát huy. 

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, cần kiện toàn cơ chế bảo đảm thi hành quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp theo hướng thống nhất và tương tác đối với các quy định về những điều đảng viên không được làm, quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và quy tắc đạo đức ứng xử về nghề nghiệp đối với các chức danh mà Nhà nước quản lý (thẩm phán, kiểm sát viên) như: Kiện toàn cơ chế giám sát nội bộ và giám sát của Nhân dân về chuẩn mực đạo đức và hành vi ứng xử; kiện toàn cơ chế giải quyết khiếu nại và tố cáo để rành mạch giữa giải quyết vi phạm pháp luật với vi phạm quy tắc đạo đức; kiện toàn cơ chế thi đua - khen thưởng liên quan với cơ chế bổ nhiệm và tái bổ nhiệm...

Hồ Long