Độc lập, chủ quyền quốc gia là tối thượng

Hà An thực hiện 16/02/2019 08:03

Là người đã từng “vào sinh ra tử” trong nhiều trận chiến nhưng khi nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tròn 40 năm trước, Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC, ĐBQH Khóa VIII, IX, X vẫn không giấu được xúc động. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, hy sinh vẫn còn đó. Nhìn lại cuộc chiến không phải để khắc sâu nỗi đau chiến tranh mà để thấy được một phần của lịch sử, để các thế hệ mãi về sau này, dù trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn đều phải thấm thía, độc lập, chủ quyền đất nước là tối thượng.

- Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc với ông để lại những ấn tượng như thế nào? 

Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Những người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình không muốn có chiến tranh. Nhưng khi ở vào tình thế không thể khác, chúng ta buộc phải đứng lên để bảo vệ chủ quyền, độc lập của quốc gia. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã khép lại với những mất mát không gì bù đắp nổi, nhưng đó là một phần của lịch sử. Và sự thật của lịch sử thì không ai được lãng quên. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

 Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Những người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình không muốn có chiến tranh. Nhưng khi ở vào tình thế không thể khác, chúng ta buộc phải đứng lên để bảo vệ chủ quyền, độc lập của quốc gia. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã khép lại với những mất mát không gì bù đắp nổi, nhưng đó là một phần của lịch sử. Và sự thật của lịch sử thì không ai được lãng quên.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

- Mờ sáng ngày 17.2 đến ngày 5.3.1979, Trung Quốc đã huy động lực lượng, mở cuộc tấn công vào biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Đây là cuộc chiến tranh ác liệt do thế lực phản động Trung Quốc gây ra đối với Việt Nam với âm mưu làm cho Việt Nam suy yếu, khuất phục và lệ thuộc vào họ. Cuộc chiến kéo dài ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Hà Giang trong 10 năm sau đó, từ năm 1979 đến 1989,  tàn phá nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có không ít người dân thường vô tội bị giết hại. Với tinh thần quả cảm, chúng ta đã chiến thắng quân xâm lược. Sau năm 1989, hòa bình mới thực sự lập lại ở biên giới phía Bắc.

- Nói đến chiến tranh là nói đến sự mất mát, hy sinh và không ai mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng trong cuộc chiến này, chúng ta buộc phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, thưa ông?

- Đúng vậy. Trước cuộc chiến này, Việt Nam đã trải qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đó là cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.  Chúng ta đã quá thấm thía sự tàn khốc, những mất mát đau thương mà chiến tranh mang lại. Do đó, Việt Nam hoàn toàn không mong muốn một cuộc chiến tranh nào xảy ra. Lịch sử phải nói cho rõ để cho muôn đời sau hiểu rằng, dù không muốn chiến tranh nhưng khi đất nước lâm nguy, khi có thế lực thù địch nhảy vào thì buộc chúng ta phải đứng lên cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nói như vậy, để thế hệ con cháu chúng ta sau này hiểu được dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đất nước bị xâm lược, quân và dân ta cùng một lòng quyết tâm chiến đấu, “nhất quyết không chịu mất nước, nhất quyết không chịu làm nô lệ”. Đó là ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Nhờ ý chí sắt đá đó, chúng ta mới chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Thành phố Hà Giang từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh biên giới phía Bắc 40 năm trước
Thành phố Hà Giang từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh biên giới phía Bắc 40 năm trước

- Những mất mát từ cuộc chiến được nhắc lại có thể sẽ khắc sâu thêm nỗi đau chiến tranh. Ông có nghĩ như vậy?

- Chúng ta phải tôn trọng lịch sử. Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta nhắc lại cuộc chiến này không phải là để gây ra hận thù giữa 2 dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Nhưng chúng ta cũng luôn sẵn sàng đứng lên, sẵn sàng đánh bại bất cứ kẻ nào có âm mưu xâm lược chủ quyền quốc gia của mình. Nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là để nhìn lại quá khứ, nhìn lại lịch sử một cách khách quan, để hiểu rõ hơn về những mất mát của chiến tranh. Trên tinh thần đó, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng phát triển. Cùng nhau nhìn lại để không lặp lại sai lầm trong quá khứ.

Nhắc lại cuộc chiến này, không phải là để khoét sâu những mất mát, hy sinh mà là để trân quý hơn giá trị của cuộc sống hòa bình, để thế hệ trẻ ngày hôm nay, hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc chiến, về chủ quyền dân tộc mà cha ông đã từng phải đổ máu để có được. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ mai sau, trong bất kỳ trường hợp nào, trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn thì độc lập và chủ quyền đất nước là thiêng liêng, tối thượng, phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng này.

- Chiến tranh đã khép lại, điều ông mong muốn nhất là gì?

- Chiến tranh bao giờ cũng để lại những mất mất, tổn thất nặng nề. Biết bao người đã ngã xuống. Biết bao gia đình đã ly tán, vĩnh viễn mất đi người thân. Những nỗi đau mà chiến tranh gây ra không gì có thể bù đắp được. Tôi cũng như bao nhiêu thế hệ người dân Việt Nam đều mong muốn được sống trong hòa bình. Rất mừng là giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày nay đã có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Tôi mong rằng, mối quan hệ này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nữa vì lợi ích và sự phát triển của cả hai nước.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Độc lập, chủ quyền quốc gia là tối thượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO