Đọc lại “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

01/09/2023 09:32

TS. CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Đọc lại bài Dân chủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, liên hệ với Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, thấy rõ sự phát triển thống nhất về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Càng đọc, càng suy ngẫm, càng thấy tầm nhìn xa, trông rộng cũng như tài dự đoán tương lai của Người.

Tri thức phổ thông quan trọng, dễ đọc, dễ hiểu

Trên báo Cứu quốc các số ra từ ngày 16.1 - 23.9.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Đ.X đã viết tác phẩm Thường thức chính trị, gồm 50 bài. Nǎm 1954, các bài viết này được NXB Sự thật tập hợp lại và in thành sách với tiêu đề Thường thức chính trị để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân, góp phần cung cấp những tri thức phổ thông quan trọng, dễ đọc, dễ hiểu về chính trị, kinh tế, xã hội cho đảng viên và Nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt - Nguồn: tuyengiao.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt. Nguồn: tuyengiao.vn

Cách viết của Thường thức chính trị rất linh hoạt. Có những vấn đề được trình bày bằng cách giải đáp câu hỏi, nhưng phần lớn được trình bày theo hình thức giảng giải, làm sáng tỏ trọn vẹn một vấn đề và đặt các vấn đề nối tiếp nhau thành một hệ thống chung.

Theo Bác, “các bạn đọc kĩ, nhớ suốt và khéo liên hệ với công việc hàng ngày của mình, thì chắc rằng những bài học ấy giúp ích cho các bạn khá nhiều”.

Tinh thần xuyên suốt là “quyết tâm và tin tưởng”

50 bài được viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, mỗi bài thường chỉ 400 đến hơn 500 chữ, được trình bày khái quát theo từng vấn đề.

Về giai cấp, Thường thức chính trị đề cập đến khái niệm giai cấp, trong đó, Người phân tích các giai cấp tạo thành Nhân dân Việt Nam “là bốn giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác”, trong đó giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Về Nhà nước, Người trình bày tính chất, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, lãnh đạo nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân trong nhà nước.

Thường thức chính trị cũng giới thiệu về các chế độ xã hội, phân tích cụ thể khái niệm, đặc điểm của chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người luận giải về sự tiêu vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản, sự ra đời, thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản với dự báo rằng: “Phong trào cách mạng ngày càng cao, giai cấp lao động đấu tranh ngày càng hăng cho nên chúng ta có thể đoán chắc rằng: chủ nghĩa cộng sản nhất định thành công khắp thế giới”.

Đáng chú ý, về vấn đề kinh tế, Thường thức chính trị đề cập đến những thành phần kinh tế của nước ta ở vùng tự do và trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Năm là, các vấn đề về Đảng, trong đó, Hồ Chí Minh dành 13 bài viết về Đảng Lao động Việt Nam, Người nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đặt cao vai trò của Chi bộ khi khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng… là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”.

Thường thức chính trị còn đề cập đến các vấn đề quan trọng khác như: thời đại ngày nay; tình hình thế giới - trong nước; tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước; động lực cách mạng; Mặt trận dân tộc thống nhất...

Kết thúc loạt bài, Người chỉ rõ: “Cái tinh thần nó xuyên khắp các bài đó là: quyết tâm và tin tưởng”.

Rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Dân chủ mới là bài số 48 trong loạt bài Thường thức chính trị. Trong bài Dân chủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một cách khái quát con đường phát triển của các dân tộc là “từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy”.

Nhưng theo Người thì cũng còn “tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản)… Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước… Trung Quốc, Việt Nam ta…”.

Như vậy, nếu trong Chính cương vắn tắt năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, thì đến năm 1953, Người nói một cách rõ hơn là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) của Việt Nam phải trải qua một giai đoạn quá độ, đó là chế độ dân chủ mới.

Vậy thì những đặc điểm của chế độ dân chủ mới là gì? Người viết tiếp: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, Nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Trên nền tảng công nông liên minh, Nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng Nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với dân, chuyên chính (trừng trị) bọn phản động”.

Đồng thời Người cũng chỉ ra trong thời kỳ dân chủ mới, sẽ có 5 loại hình kinh tế khác nhau: Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của Nhân dân); Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội); Kinh tế của cá nhân nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội); Tư bản của tư nhân; Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản để kinh doanh).

Người xác định loại hình kinh tế chủ đạo và hướng phát triển của kinh tế Vệt Nam: “Trong 5 loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về những yếu tố sẽ mang lại thành công cho Nhân dân ta: Tư tưởng của giai cấp công nhân (tư tưởng Mác - Lênin) là tư tưởng lãnh đạo, ngày càng phát triển và củng cố. Đảng Lao động kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và Nhân dân lao động (dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân có các đoàn thể cách mạng chắc chắn của họ như: công đoàn, nông hội, hội thanh niên, hội phụ nữ…) thực hiện dân chủ mới và tiến dần đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản). Trong nước thì Nhân dân ta hăng hái kháng chiến, thi đua sản xuất, quyết tâm phấn đấu, quyết tâm tiến lên. Trên thế giới thì có phe dân chủ hòa bình ủng hộ ta. Vì những lẽ đó, ta nhất định thành công.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội lần thứ XI của Đảng năm 2011 ghi rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để… nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”.

Trong bài viết nhan đề Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Báo Nhân dân ngày 16.5.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc, cho thấy nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn, với các đặc trưng cơ bản; đồng thời Tổng Bí thư nhấn mạnh: trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đọc lại bài Dân chủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, liên hệ với Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thấy sự phát triển thống nhất về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Càng đọc, càng suy ngẫm, càng thấy tầm nhìn xa, trông rộng cũng như tài dự đoán tương lai của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đọc lại “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO