Đọc Kafka
Tất cả những gì Kafka đã viết, nó là một pho kinh cho chúng tôi, những người muốn ly thoát khỏi cái thế giới của mình mà không sao ly thoát được.
“Hẳn bạn vẫn còn nhớ cái buổi chiều khi bạn lần đầu đọc Dostoevsky”, Henry Miller viết. Tôi đọc được câu này ở phần giới thiệu của bản tái bản mới của “Anh Em Nhà Karamazov”. Với tôi thì: “Hẳn bạn vẫn còn nhớ cái buổi chiều khi bạn lần đầu đọc Kafka.”
Kafka - tôi không rõ có phải nó là một cái họ phổ biến của người Séc hay không, nhưng dường như ngay trong cái tên ấy đã hàm chứa một tấn kịch phi lý, tại sao lại có một cái tên cân đối đến thế chứ, một chữ f đứng giữa một cặp “ka”, cân đối đến mức phi lý, đấy là chưa kể cái cách phát âm của nó, đầu tiên bạn phải banh miệng ra theo cái lối rất là dị hợm, rồi đóng lại, rồi lại mở. Chắc chắn đâu phải ngẫu nhiên trong truyền thuyết của người Nhật lại có loài kappa.
Cuốn sách đầu tiên của Kafka mà tôi đọc là “Hóa thân”, như rất nhiều người. Và rồi là Vụ Án, Lâu Đài, Nước Mỹ, và rồi là Hang Ổ, Vô Địch Nhịn Ăn, Trại Lao Cải, rồi là những truyện cực ngắn, rồi là những lá thư của ông, những trang nhật ký của ông.
Mới đây, tôi vừa được xem bộ phim “Looking for Kafka”, trong Tuần lễ phim Kafka. Chuyện phim đại khái là về một cô gái đồng hành cùng cô-người-yêu-mới-của-người-yêu-cũ đi tìm anh người yêu cũ của cô và đồng thời là người yêu của cô bạn kia, anh ta một sáng ra bỗng dưng mất tích. Anh đóng vai Gregor Samsa trong vở kịch Hóa Thân. Cô gọi anh là Kafka. Nó là một bộ phim mà tôi nghĩ rất tiêu biểu về tuổi trưởng thành trong điện ảnh Đài Loan, chỉ khác là được nhúng vào những biểu tượng của Kafka.
90 phút xem bộ phim ấy, tôi không cố gắng cắt nghĩa Kafka xuất hiện ở những chi tiết nào, những nút thắt nào trong đó, nhưng cũng rất tự nhiên, có thể là lộ liễu, nó cứ nhắc tôi nhớ về “những lần đầu” cùng Kafka.
Lần đầu đọc Hóa Thân, lần đầu biết thương cảm chính mình. Lần đầu đọc Vụ Án, lần đầu hóa giải được sự phức tạp của đời mình đang sống bằng một phương thức còn phức tạp không kém. Lần đầu đọc Hang Ổ, lần đầu nhận ra, rằng những mớ lộn xộn trong đầu óc tôi, cũng có thể được viết ra, theo một cách nào đó, như Kafka đã viết. Tất cả những gì Kafka đã viết, nó là một pho kinh cho chúng tôi, những người muốn ly thoát khỏi cái thế giới của mình mà không sao ly thoát được. Hoặc ít nhất có tôi nghĩ thế.
Tất cả những điều đó trở đi trở lại trong tâm trí tôi và tôi đã đi về trước một chút sau khi buổi thảo luận kết thúc bởi một nỗi thôi thúc về nhà và đọc lại một lần Kafka, bất cứ tác phẩm nào mà tôi thấy đầu tiên trên giá sách của mình. Và tôi tìm được Henry Miller còn nói thế này về Dostoevsky:
“Tôi ném mình trước bức chân dung của Dostoevsky, như tôi đã từng làm bao lần, đề nghiền ngẫm lại tướng mạo quen thuộc của ông một lần nữa. Tôi nghĩ về người bạn Lou Jacobs của mình, người đã ngả mũ mỗi lần anh bước qua một bức tượng Shakespeare. Nó còn hơn cả một cái cúi đầu hay một lời chào mà tôi dành cho Dostoevsky. Nó còn hơn cả một lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện mà anh sẽ mở ra được bí mật của điều mặc khải. Một gương mặt thật giản đơn, thật thân quen, của ông. Gương mặt của một người đàn ông sẽ lẫn vào đám đông. Tôi đứng đó, như vẫn luôn cố gắng thâm nhập vào bí ẩn của sự hiện diện ẩn nấp đằng sau một đống những đường nét. Tất cả những gì tôi có thể đọc ra rõ ràng là nỗi âu sầu và sự cố chấp. Một người đàn ông rõ ràng là ưa thích hơn cuộc sống thấp kém, một người đàn ông tươi tắn từ lao ngục. Tôi lạc đi trong suy nghiệm. Cuối cùng tôi chỉ còn thấy nghệ sĩ ấy, bi kịch ấy, một người nghệ sĩ chưa từng bao giờ xuất hiện đã sáng tạo ra cả một đền pantheon kính ngưỡng của những nhân vật, những hình tượng chưa từng bao giờ nghe nói trước đây và sẽ không còn có nữa sau này, mỗi người trong số họ hiện thực hơn, mãnh liệt hơn, bí ẩn hơn và khó hiểu hơn tất cả những Sa Hoàng điên rồ và những Giáo Hoàng độc ác, xấu xa gộp lại.”
Lou Jacobs ngả mũ trước bức tượng Shakespeare. Henry Miller cúi đầu, chào và ngắm nhìn bức chân dung của Dostoevsky. Còn tôi khi đứng trước một bức họa, một bức ảnh của Kafka, không bao giờ dám nhìn thật lâu, chỉ dám mỉm cười, với lòng biết ơn dâng đầy.