Độc đáo nhà thờ đá Lalibela ở Ethiopia
Ethiopia, nằm ở phía đông châu Phi, là một đất nước đa sắc tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và kỳ lạ. Kiến trúc nhà thờ đẽo trong lòng đá ở thị trấn nhỏ Lalibela là minh chứng độc đáo nhất về các nét văn hóa đặc biệt đó.

Thị trấn Lalibela nằm ở độ cao gần 2.800m so với mặt nước biển trên vùng cao nguyên Ethiopia. Xung quanh thị trấn là những vùng núi đá và khô cằn. Tại nơi đây, vào thế kỷ XIII, những tín đồ sùng đạo Thiên Chúa bắt đầu đục đẽo những khối đá núi lửa màu đỏ để “xây” lên 13 nhà thờ. Bốn trong số những nhà thờ đó được hoàn thiện đứng độc lập với khối đá và chỉ có phần nền móng là còn gắn liền với khối đá mẹ này. Chín nhà thờ còn lại vẫn gắn liền với đá và chỉ có bề mặt được “giải phóng” khỏi khối đá. Đến thăm thị trấn này, chắc hẳn sẽ phải sừng sờ khi tận mắt chiêm ngưỡng 11 nhà thờ cổ đồ sộ còn lại. Đây là nơi tối cao của người Ethiopia theo đạo Kitô, và là chốn hành hương, cầu nguyện của họ đến tận ngày nay.
Những ngôi nhà thờ đơn khối sâu từ 7 đến 12 mét. Để có thể đào và tạo hình cho nhà thờ, người thợ Ethiopia xưa kia dùng các công cụ giản đơn gồm cuốc, đòn bẩy, rìu nhỏ và đục để đào những rãnh rất sâu để tách rời toàn bộ cấu trúc nhà thờ ra khỏi núi đá. Công việc chạm khắc được bắt đầu từ đỉnh gồm vòm, mái, trần, vòm cửa và các cửa sổ phía trên và xuống tới phần nền gồm sàn và cửa lớn ra vào. Không gian bên trong nhà thờ rộng lớn gồm các cột đá đặc đỡ trần. Nhà thờ cao lớn và ấn tượng nhất có kích thước dài 33,5m, rộng 23,5m, cao 10,6m và có mái chạm khắc được đỡ bởi 34 chiếc cột vuông. Đây là tòa nhà thờ duy nhất ở Ethiopia có năm gian dọc như kiểu ngôi nhà thờ cũ. Một số nhà thờ có cửa sổ hình thập tự latin và cổ Hy Lạp, hình chữ vạn và chữ thập cuộn vòng tròn. Cột đá chính giữa trong nhà thờ được bao bọc bằng vải. Những nhà thờ này kết nối với nhau bằng những con đường hầm như mê cung, tuy nhiên chúng bị phân cách bởi một con sông nhỏ mà người Ethiopia đặt tên là Jordan. Nhà thờ ngự bên bờ này của sông Jordan đại diện cho Jerusalem “trần thế”, còn ở bên bờ bên kia là nhà thờ của Jerusalem “thiên đàng” - thành phố có những lối đi gắn vàng và trang sức quý hiếm được mô tả trong Kinh Thánh.
Vua Lalibela (trị vì từ năm 1187 đến năm 1221) được cho là người đã sáng lập ra kiểu cấu trúc khác lạ này nhằm mục đích tạo ra một thánh địa mang biểu tượng linh thiêng. Tương truyền đức vua Lalibela được sinh ra ở Roha. Tên của ông có nghĩa là “con ong thiết lập chủ quyền của mình”. Ông được chúa trời ra lệnh xây dựng 10 nhà thờ bằng đá nguyên khối, đồng thời còn đưa cho đức vua bản hướng dẫn xây dựng chi tiết những nhà thờ đó và thậm chí nêu cả màu sắc của nhà thờ. Khi người anh trai Harbay của ông thoái vị, cũng là lúc vua Lalibela thực hiện mệnh lệnh cao cả của chúa trời. Công tác xây dựng bắt đầu và với tốc độ hoàn thành rất nhanh chóng đến bất ngờ nhờ có sự góp sức của các thiên thần xây dựng khi đêm xuống với khối lượng công việc gấp đôi số lượng mà công nhân đã làm vào ban ngày.
Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1978, nhà thờ đá Lalibela không chỉ là niềm tự hào của người dân Ethiopia và mà còn được coi là “kỳ quan thứ 8” của thế giới.