Tham gia Hội đua bò Chùa Rô lần thứ X năm 2024 có 24 đôi bò xuất sắc của bà con Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương tới xem, cổ động, tạo không khí sôi nổi, gắn kết trong ngày hội.
Bước vào tranh tài, hai đôi bò thi đấu theo thể thức một vòng hô và một vòng thả (“vòng hô” - là vòng để cho các đôi bò làm quen với sân đua, thể hiện sự khéo léo của người điều khiển bò; “vòng thả” - là khi có hiệu lệnh của trọng tài, người điều khiển bò dùng cây xà-lul (một khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, đầu có tra cây đinh nhọn) kích vào mông 2 con bò của mình, để đôi bò vận hết sức lực để băng về đích. Đôi bò thắng cuộc sẽ được vào vòng thi đấu tiếp theo. Đôi bò giành chức vô địch phải tham gia các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp.
Ông Chau Hunl (xã An Cư, thị xã Tịnh Biên) cho biết, khi tham gia lễ hội đua, các chủ bò và “Nài bò” không quan trọng giải thưởng, thắng hay thua, chủ yếu là được thỏa sức vui chơi, giúp gắn kết tình thân giữa các dân tộc.
Năm 2016, hội đua bò Bảy núi An Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là một trong những sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật của tỉnh An Giang từ nhiều năm nay, được huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên luân phiên đăng cai tổ chức, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến xem hội đua bò và thưởng thức cảnh đẹp của vùng đất Thất Sơn huyền bí.
Theo ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư (thị xã Tịnh Biên), AHội đua bò của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang đã vượt ra khỏi giới hạn môn thể thao truyền thống của người Khmer Nam Bộ vùng núi, trở thành “phần hồn” làm lung linh thêm vẻ đẹp của vùng Bảy Núi An Giang.
“Hội đua bò không đơn thuần là các con bò chạy đua với nhau mà nó trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer. Ngày hội không chỉ gắn liền với phong tục cầu mong mưa thuận gió hòa, trúng mùa vụ và đời sống thêm sung túc mà còn thể hiện tinh thần hăng say lao động của đồng bào Khmer, làm cho ngày hội trở thành sân chơi, nơi hưởng thụ văn hóa và tìm về truyền thống dân tộc có giá trị đặc biệt, bồi đắp thêm tình cảm cộng đồng đẹp, đậm chất nhân văn”, ông Huỳnh Thanh Hải nhấn mạnh.