Chùa Hang ở Trà Vinh

Độc đáo cổng vòm và điêu khắc gỗ

- Thứ Hai, 13/09/2021, 11:22 - Chia sẻ
Chùa Hang về chiều, cò nhiều vô kể, hàng nghìn, hàng vạn cánh cò chao mình dưới bầu trời vời vợi, lộng gió, yên bình. Hoàng hôn càng sậm đỏ, những cánh cò như càng sáng hơn. Nhưng độc đáo nhất ở chùa Hang là những tác phẩm điêu khắc từ gốc cây gỗ sao, do chính các nhà sư thực hiện.
	Cổng phụ chùa Hang - Nguồn: https://thamhiemmekong.com/
Cổng phụ chùa Hang
Nguồn: https://thamhiemmekong.com/

Đồng bào Khmer quen gọi nơi này là chùa Hang bởi cổng phụ phía Tây được kết cấu như 3 hang động sát nhau, trong đó, cổng chính giữa là một hang lớn, hai cổng hai bên là hai hang nhỏ. Cả ba cổng đều được xây kiên cố với bức tường dày 12m. Cổng chùa dạng hang vòm không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tạo sự khác biệt giữa chùa Hang với các chùa Khmer còn lại trong tỉnh Trà Vinh, mà còn ẩn chứa giá trị lịch sử tôn giáo sâu sắc. Nó cho thấy Phật giáo Nam tông Khmer Trà Vinh có sự kế thừa nhất định Bàlamôn giáo, bởi ngày xưa, các tu sĩ Bàlamôn thường tu luyện trong các hang động thâm u, vắng bóng người qua lại.

Đứng trong cổng có cảm giác như đang trong hang đá. Thích nhất khi chạm mắt công trình kỳ lạ này, với nhiều du khách, không phải khi bước vào bên trong, ở giữa nó, mà là lúc vừa bước ra khỏi cổng/hang, trước mắt hai hàng cây thẳng tắp, xanh mướt, vừa thanh tịnh, vừa dịu nhẹ, khoáng đạt.

	Kiến trúc mang đậm văn hóa của dân tộc Khmer – Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa
Kiến trúc mang đậm văn hóa của dân tộc Khmer
 Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

Chùa Hang tên chính thức là Kompông Chrây, cũng có khi gọi là Mồng Rầy (Kamponyixprdle). Chùa thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5km về phía Nam. Chùa được thành lập năm 1637 và đã trải qua hơn 20 đời sư trụ trì. Năm 1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Năm 1977, sư Thạch Suông trở về và vận động phục dựng chùa. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế, được đánh giá là một trong những ngôi chùa Khmer hệ phái Phật giáo Nam tông Nam bộ đẹp và độc đáo nhất Việt Nam.

Đến thăm chùa, dù ngày thường hay gặp dịp lễ lớn, du khách luôn được khuyên nên dành những phút đầu tiên hành lễ theo nghi thức Phật giáo Nam tông ở chính điện, sau đó mới đi thăm thú xung quanh. Chùa Hang, cũng giống như bao ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh, vẫn dày đặc những bức bích họa khổng lồ về cuộc đời và quá trình tu thành chính quả của đức Phật trên tường nơi chính điện; mái chính điện từng lớp từng lớp chồng lên nhau, nhỏ dần theo hình chóp về mái; ở các đầu cột đều có tượng vũ nữ Ken Naar dang đôi tay chống đỡ mái.

Cấu trúc chùa dành một phần không gian cho người già vào chay tịnh; một phần làm phòng học cho trẻ nhỏ; và một phần không hề nhỏ để dựng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà vừa chỗ cho một người. Đàn ông Khmer đến tuổi trưởng thành sẽ vào chùa, sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn này, thường ở lại một tháng để cầu nguyện, làm trong sạch linh hồn.

Chùa Hang từ xưa đến nay vẫn chiếm giữ một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của đồng bào Khmer ở Trà Vinh. Ai muốn biết đồng bào được giáo dục đạo đức, tôn giáo như thế nào, muốn biết vì điều gì mà tâm hồn con người nơi đây hồn hậu, bình thản, an nhiên, thiện đạo, phải một lần bước chân vào không gian này.

	Những tác phẩm điêu khắc gỗ do chính các nhà sư, Phật tử làm ra - Nguồn: https://thamhiemmekong.com/
Những tác phẩm điêu khắc gỗ do chính các nhà sư, Phật tử làm ra
Nguồn: https://thamhiemmekong.com/

Một điểm khác biệt nữa ở chùa Hang, so với hàng trăm ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh, là những tác phẩm điêu khắc từ gốc cây gỗ sao, do chính các nhà sư trong chùa làm ra. Vì tiếc những gốc sao trăm tuổi (sau khi lấy gỗ, cũng có gốc bị bom đạn chiến tranh tàn phá phần thân gỗ, chỉ còn trơ lại gốc) mà vào năm 2002, sư cả của chùa đã mời nghệ nhân điêu khắc từ Vĩnh Long về dạy nghề cho các sư tăng. Sau này, nhà chùa dành hẳn một phần không gian làm xưởng mộc trong khuôn viên. Các nhà sư cùng sáng tác, đưa đời sống của các loài muông thú lên những thớ gỗ vô tri, đem lại cuộc đời mới cho chúng. Đến nay, hoạt động này vẫn được duy trì, vẫn là một “đặc sản” của chùa Hang. Nghề điêu khắc gỗ còn được nhà sư truyền cho thanh niên Phật tử trong các phum sóc lân cận.

Nhiều du khách đến chùa Hang, dù ít thời gian cũng phải thu xếp qua xưởng một lát, chiêm ngưỡng Cửu Long, tác phẩm điêu khắc trên gốc sao đồ sộ nhất của các nhà sư nghệ nhân tại chùa Kom Pong Chray tính đến nay, mua một vài món đồ điêu khắc nhỏ về làm quà cho người thân. Có thêm chút thời gian thì nán lại đến tận chiều muộn, ngắm từng đàn cò bay về, đậu trắng những ngọn cây...

Liên Hường