Những ngày đầu năm 2025, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có dịp đến Chợ quê Cù lao Tân Thuận Đông (xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh). Để đến Chợ quê này, du khách đến trung tâm TP. Cao Lãnh, sau đó hỏi đường xuống bến phà Cao Lãnh cũ và mua vé tàu du lịch Mỹ Phước Thành qua Chợ quê với giá vé 20.000 đồng/người (lượt đi và về).
Du khách ngắm cảnh trên sông Tiền khoảng 15-20 phút, tàu sẽ cặp bến Chợ quê. Nếu ai lần đầu đến chợ này không khỏi bất ngờ vì sự rôm rả. Tiếp đó, du khách hòa mình trong không gian chợ truyền thống xưa, trên chợ hoàn toàn sử dụng quầy kệ, dụng cụ, vật dụng mang tính thân thiện như chén, tô đá, rổ lá… tạo cho du khách cảm giác như trở về thuở nhỏ.
Dạo một vòng quanh chợ, du khách thưởng thức món ăn quen thuộc, dân dã, như: bánh xèo, bánh khọt, món ốc nướng tiêu, vẹm nướng…, các loại nước uống gợi hoài niệm như: siro đá bào, hạt é, mủ gòn, cỏ xước…
Ấn tượng hơn là những khu ẩm thực dành cho du khách trải nghiệm làm các loại bánh dân gian, như: Bánh xèo, bánh khọt, bánh kẹp chuối, bánh bông lan, đá bào, kẹo chỉ, bánh tráng trộn…
Bà Ngô Hồng Sương (70 tuổi) tham gia bán bán các món rau, trái cây do gia đình bà trồng, vui vẻ cho biết: “Ban đầu được vận động ra chợ bán, tôi cũng e dè lắm. Ai ngờ, sau vài buổi chợ, chợ đông khách quá trời. Nhờ đó, mỗi buổi chợ, tôi bán kiếm lời từ 200.000 – 300.000 đồng; vừa có tiền chi tiêu trong gia đình, vừa bán được các loại cây trái nhà trồng”.
Chợ quê còn có những gian hàng chuyên bán rau đồng, như: rau nhãn lồng, rau má, cải trời; và nhiều loại trái cây vườn do bà con ở địa phương trồng mang ra bán, như: xoài Cao Lãnh, đu đủ, cam xoàn, chuối…
Xen lẫn trong những tiểu thương lớn tuổi là “tiểu thương nhí” Hà Tường Vy (học lớp 6A3) đang phụ mẹ bán sạp trái cây của gia đình. Vy không lanh lẹ mời gọi du khách mua các loại trái cây bày bán trên sạp; thi thoảng em cất lời rao: “Mời du khách mua chuối, mãng cầu… giùm cháu; chuối nhà trồng, ngon và giá rẻ”.
Một du khách tên Trang đến từ TP. Cần Thơ, chia sẻ: “Cái tôi thích nhất khi đến ngôi chợ này là không gian mát mẻ giữa sông Tiền. Hơn nữa khi đến Chợ quê, tôi và nhiều người khác tìm thấy những hình ảnh thân quen cách đây vài chục năm về trước. Đến đây, vừa thấy được những cảnh thân quen, vừa thưởng thức những món ăn như má làm nên tôi rất thích. Tôi sẽ trở lại lần nữa”.
Theo tìm hiểu, Chợ quê Cù lao Tân Thuận Đông được mở vào những ngày đầu tháng 12.2022, do UBND xã Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và người dân địa phương hợp tác lập chợ.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Cao Lãnh Hồ Huệ Thu Hằng, cho biết: “Khi Chợ quê mới thành lập chỉ có 12 quầy bán, với 24 người tham gia nhưng sau hơn 90 tuần hoạt động, đến nay có 35 quầy hàng với 64 người bán, chủ yếu người địa phương. Mỗi quầy là những sản phẩm đặc trưng khác nhau, hiện có trên 200 mặt hàng các loại, mỗi mặt hàng đều có niêm yết giá cụ thể, bán đúng giá không chèo kéo khách”.
Theo Ban Điều hành chợ cho biết, các quầy được chia đều sang 2 dãy chợ, mỗi dãy đều được bố trí đầy đủ các mặt hàng ăn uống, rau củ, trái cây các loại xen kẻ nhau để du khách dễ dàng tìm mua và các hộ tiểu thương cũng dễ phục vụ không để xảy ra nhiều cạnh tranh trong mua bán.
Đồng thời, Ban Điều hành chợ còn sắp xếp và bố trí riêng 6 quầy ngồi nghỉ, một dãy sàn và một quầy lớn bên khu đất bãi bồi cho du khách thoải mái ngồi tận hưởng trải nghiệm hương vị đồng quê, nghe ca cổ; tham gia các trò chơi dân gian do các đoàn viên, thanh niên tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông Trương Thái Ngọc cho biết: “Công tác phát triển du lịch cộng đồng 2 năm qua của địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Chợ quê góp phần phát triển kinh tế, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn xã. Đã giải quyết quyết được việc làm cho hơn 200 lao động có thu nhập ổn định”.
Theo lãnh đạo xã Tân Thuận Đông, để chợ hoạt động nhịp nhàng, UBND xã thành lập Ban Điều hành chợ thông qua 5 tổ quản lý, trong đó có 4 tổ điều hành chợ, một tổ làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do trưởng công an xã đảm nhiệm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng từ ngày thành lập chợ đến nay là vấn đề bảo vệ môi trường, vì thế, các túi nilon các quầy hàng sử dụng là loại tự hủy; trước, trong và sau buổi chợ kết thúc điều có nhân viên thu gom rác thải, đưa về điểm tập kết, sau đó chuyển về thành phố xử lý.
Trước sức hút của Chợ quê, UBND xã Tân Thuận Đông đã có kiến nghị với ngành chức năng và UBND TP. Cao Lãnh quan tâm, tiếp tục đầu tư hạ tầng; phát triển thêm hàng hóa, dịch vụ và hoạt động trải nghiệm, nhất là các hoạt động trải nghiệm về đêm để giữ chân du khách ở lại địa phương lâu hơn.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Chợ quê xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh: