Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh kiện điện tử có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, sử dụng dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều công đoạn.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử thực hiện di chuyển các công đoạn sản xuất từ các nhà máy ở Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nên dù sử dụng ít lao động, nhưng năng suất vẫn tăng, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhiều đơn hàng lớn trong thời gian ngắn của các đối tác nước ngoài. Trong đó, nhiều mặt hàng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và được các tập đoàn đa quốc gia đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, bàn giao mặt bằng sạch, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động sẽ phát triển môi trường làm việc xanh; hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép đầu tư trong khu công nghiệp; tạo môi trường đầu tư hiệu quả, thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới, nhất là các dự án sản xuất linh kiện điện tử.