Cáo bạch tài chính đã kiểm toán của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) thể hiện, năm 2023, doanh nghiệp lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi gần 642 tỷ đồng trong năm 2022. Nguyên nhân cho khoản lỗ lớn của VICEM chủ yếu đến từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.
Theo đó, trong năm 2023, doanh thu thuần của VICEM đạt hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, VICEM lãi gộp 1.923 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,2% xuống còn 8%.
Ngoài ra, việc chi phí tài chính tăng mạnh 47% lên 796 tỷ đồng và khoản lỗ 130 tỷ từ công ty liên doanh, liên kết cũng góp phần khiến VICEM lỗ nặng 1.129 tỷ đồng trong năm 2023.
Tại thời điểm cuối năm 2023, VICEM có 17 công ty con sở hữu trực tiếp, trong đó 5 công ty thuộc diện sẽ thoái toàn bộ vốn theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; 4 công ty con sở hữu gián tiếp và 10 công ty liên kết.
Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của VICEM đạt hơn 36.800 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 4.642 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tổng công ty ở mức 17.262 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay là 9.220 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của VICEM tính đến ngày 31.12.2023 là 2.240 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán, đơn vị kiểm toán có ý kiến, tại ngày 31.12.2023, nợ ngắn hạn VICEM vượt quá tài sản ngắn hạn là 5.197 tỷ đồng (tại ngày 1.1.2023 là 5.031 tỷ đồng), thể hiện các khó khăn về tài chính và khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con của Tổng công ty.
Trong đó, một số công ty con thuộc diện giám sát theo các quyết định của Hội đồng thành viên VICEM, bao gồm: Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Các công ty nêu trên có số dư lỗ lũy kế trong nhiều năm và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm 31.12.2023 là 6.513 tỷ đồng (tại ngày 1.1.2023 là 6.129 tỷ đồng).
Ví dụ như Vicem Tam Điệp, lỗ lũy kế đến ngày 31.12.2023 là 1.127 tỷ đồng.