Doanh nhân và sách
Người ta thường cho rằng doanh nhân thời nay không có thời gian và thói quen đọc sách. Tuy nhiên trên thực tế, không ít nhà quản lý hàng đầu thế giới lại là những người mê sách và đã bỏ ra khá nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để lập riêng một thư viện cá nhân.

Michael Moritz, nhà đầu tư mạo hiểm, người tạo nên khối tài sản cá nhân trị giá 1,5 tỉ đô la nhờ khám phá và đưa ra công chúng các công ty như Google, YouTube, Yahoo và PayPal, có khả năng siêu phàm trong việc nắm bắt các xu hướng truyền thông mới. Thế nhưng truyền thông cũ mới là phương tiện ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí Moritz; trong ngôi nhà của ông tại vùng Bay Area, hàng ngàn cuốn sách nằm la liệt khắp nơi.
“Vợ tôi gọi tôi là Imelda Marcos của sách,” Moritz nói trong một cuộc phỏng vấn. “Ngay khi bước vào ngôi nhà này, mọi cuốn sách đều được đảm bảo một vị trí ổn định trong cuộc sống của chúng tôi. Vì tôi chưa bao giờ có thể từ bỏ thậm chí dù chỉ một cuốn nên chúng dần chất đống như trầm tích.”
Các nhà lãnh đạo đáng gờm và cũng là các độc giả đáng gờm xây dựng thư viện cá nhân để tìm kiếm và kế thừa nguồn tri thức quý giá của nhân loại. Theo Ken Lopez, một người bán sách tại Massachusettes, không thể có được một thư viện nghiêm túc về mọi đề tài với ít hơn vài trăm ngàn đô la.
Có lẽ đó là nguyên nhân tại sao mà các giám đốc điều hành lại giữ bí mật về thư viện của mình hơn cả cuộc sống tình dục hay số tiền tại nhà băng. Như trong trường hợp của Phil Knight, người sáng lập ra tập đoàn Nike, rất ít đồng nghiệp được thấy thư viện của ông, một căn buồng đằng sau phòng làm việc chính thức. Để bước vào không gian riêng ấy, khách phải bỏ giày bên ngoài và cần thể hiện lòng tôn kính dành cho các bộ sử châu Á, nghệ thuật và thi ca nhiều hơn là cho dành chủ nhân của chúng.
Cho đến mới đây, khi Steven Jobs bán bộ sưu tập của ông, người ta mới biết nhà quản trị công nghệ thông tin hàng đầu thế giới này có “mối quan tâm không cạn kiệt” đến các tác phẩm của William Blake, một nghệ sĩ, nhà thơ và người có tầm nhìn xa trông rộng lạ thường của thế kỷ XVIII. Có lẽ trong tương lai, các sử gia sẽ tìm đến thư viện của Job để lần lại nguồn cảm hứng cho hàng loạt thành công của nhà quản trị này.
Nếu có một tiêu chuẩn dành cho các doanh nhân thì đó là: “Đừng nghe theo cố vấn của bạn mà hãy nghe theo người cố vấn cho vị cố vấn của bạn”. David Leach, Giám đốc điều hành một chi nhánh của American Medical Association, công ty y khoa hàng đầu của Mỹ gợi ý. Trong căn nhà gỗ nhỏ tại Bắc Carolina, Leach tích trữ một loạt tác phẩm của Arsistotle mà ông sưu tập được.
Nếu như có ý định tìm kiếm một cuốn sách bán chạy dạy về kinh doanh trong các thư viện này thì bạn sẽ không hề thấy.
“Tôi cố gắng thay đổi thực đơn đọc và đảm bảo mình tiếp xúc với hư cấu nhiều hơn là phi hư cấu,” Moritz nói. “Tôi rất ít đọc sách về kinh tế, ngoại trừ cuốn Bơi sang bờ kia (Swimming Across) của Andy Grove, nhưng nó chẳng dính dáng gì tới kinh doanh mà lại mô tả nền tảng cảm xúc của một con người kiệt xuất. Tôi cũng đọc đi đọc lại cuốn Bảy trụ cột của sự khôn ngoan (Seven Pillars of Wisdom) của T.E. Lawrence.”
Giới nghiên cứu quyền lực cũng nên để ý rằng các giám đốc điều hành đang sưu tập cả sách đề cập sự thay đổi khí hậu và nóng lên của trái đất, tất nhiên không phải là các tài liệu về môi trường của cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore mà là các tác phẩm từ thế kỷ thứ XV về thời tiết, hạn hán tại Ai Cập và thậm chí là bản sao những tấm thẻ gỗ của người Sumer ghi lại các biến đổi khác thường của khí hậu. Đó là thông tin do John Windle, chủ một cửa hàng sách cổ tại San Francisco cung cấp. Ông cũng cho biết thêm, vào những năm 1950, cuốn Nguồn gốc các loài của Darwin được định giá khoảng vài ngàn đô la nhưng “khi DNA trở thành một thứ mốt khoa học thì hiện nay, các ấn bản của cuốn này được bán tới 250.000 đô la. Nhưng niềm ao ước sở hữu một phần trí tuệ của Darwin đang đi đến hồi kết.”
Tuy nhiên các thư viện cá nhân này thường thiếu vắng hệ thống phân loại Deway hay một trật tự sắp xếp nhất định. “Sách của tôi được xếp theo các chủ đề và mối quan tâm nhưng với cách mà một thủ thư có thể khóc thét,” Moritz nói. Theo nhà văn Jorge Luis Borges, một người từng lăn lộn trong nhiều thư viện, việc săn lùng kiến thức đã khiến cho chúng ta có thói quen tích lũy sách, tuy nhiên “cần có một cuốn phân loại và tóm tắt hoàn hảo các cuốn còn lại.”
Thư viện cá nhân còn là nguồn cảm hứng cho quyền lực. Nữ hoàng Elizabeth I, người tạo nên Kỷ nguyên Vàng nước Anh, thường bị vây xung quanh bởi vô số các sử gia La Mã, trong số đó có rất nhiều tác giả đã được bà chuyển ngữ. Bà Hoàng này còn cất riêng trong phòng ngủ bản tiếng Pháp một tác phẩm của Machiavelli mà không ai được động tới, đó là cuốn Quân vương (The Prince), đề cập cách thức lật đổ một nền cộng hòa. Còn Churchill, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 1945, đã lui về thư viện của mình để hàn gắn vết thương. Sau sáu năm đọc sách, ông đã quay trở lại nắm quyền Thủ tướng.
Đối với nhiều giám đốc điều hành, sách mà cụ thể là thi ca, có tiếng nói quan trọng. “Tôi thường nói với nhân viên của mình hãy mang về đây các nhà thơ có khả năng làm quản lý,” Sidney Harman, người sáng lập ra Harman Industries, một công ty sản xuất các thiết bị âm thanh cao cấp trị giá 3 tỉ đô nói. Trong mỗi căn nhà tại Washington, California và Colorado, Harman đều có một thư viện. Vì chẳng bao giờ tìm thấy được một nhà thơ sẵn sàng trở thành nhà quản lý nên Harman là thi sĩ không chính thức và thường xuyên trích dẫn Shakespeare, Tennyson cũng như các nhà thơ khác.
Khi Shelly Lazarus, Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc điều hành của một công ty quảng cáo có chi nhánh tại 125 quốc gia, chuyển đến một ngôi nhà được xây từ năm 1740 mà bà rất yêu thích thì thư viện ở đây hoàn toàn trống rỗng. “Khi mới chuyển đến tôi nói với chồng: ‘Chúng mình sẽ chẳng bao giờ lấp đầy căn phòng này’ và mới chỉ tuần trước thôi, chúng tôi đã nhận ra cần xây thêm một phòng phụ cho nó. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, tôi đều giữ lại. Nó trở thành một phần của tôi.”
Shelly nói: “Là người đứng đầu một công ty toàn cầu, mọi thứ đều hấp dẫn tôi với tư cách là một độc giả, từ các sách về văn hóa, khoa học cho đến tự truyện, tiểu thuyết, vân vân. Tôi đọc để giải trí và tìm ra cách nhìn mới cho việc suy nghĩ và giải quyết một vấn đề. David Ogilvy, cha đẻ của nghề quảng cáo nói rằng ngành này là một lĩnh vực rộng lớn nên mọi thứ đều có ích cho công việc của bạn. Câu nói đó cho phép tôi đọc mọi thứ.”
Đăng Ngọc
Theo IHT