Doanh nhân ứng cử đại biểu dân cử: Không phải để PR

07/05/2011 07:18

CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH ĐĂK LĂK DƯƠNG THANH TƯƠNG chia sẻ xung quanh vấn đề doanh nhân tham gia đại biểu dân cử.

Ông Dương Thanh Tương cho biết:

- Các khóa trước, Đăk Lăk đều có các doanh nhân làm đại biểu HĐND các cấp. Các đại biểu này chủ yếu thuộc các doanh nghiệp nhà nước và thuộc các ngành cà phê, cao su, xây dựng cơ bản. Trong đó, HĐND cấp tỉnh thường có 4-5 doanh nhân tham gia.

Nhiệm kỳ này, có 1 ứng cử viên ĐBQH là doanh nhân nữ thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh, lại chưa là đảng viên, đây là một nét mới. HĐND cấp tỉnh có 1 ứng cử viên là doanh nhân trong lĩnh vực cà phê, 1 ở lĩnh vực cao su, 1 ở lĩnh vực xây dựng ngoài quốc doanh và 1 ở lĩnh vực thương mại. Đăk Lăk hiện có 5.000 doanh nghiệp và các ứng cử viên này rất xứng đáng và tiêu biểu cho ngành nghề kinh doanh. Hy vọng các doanh nhân sẽ có tín nhiệm cao, được bầu vào cơ quan dân cử để có tiếng nói cho sự phát triển của doanh nghiệp.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò các doanh nhân là đại biểu dân cử trong các nhiệm kỳ qua ở địa phương?

- Tôi thấy các đại biểu đều có tiếng nói quan trọng, mạnh mẽ vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ, trước kỳ họp, đại biểu doanh nhân thường nêu lên các vấn đề cơ bản của doanh nghiệp thời điểm đó như: khó khăn về vốn; thời tiết tác động đến sản xuất nông nghiệp; giá cả vật tư; những thủ tục hành chính rườm rà,… Đó là những tiếng nói của người trong cuộc, rất sát sườn doanh nghiệp nên được HĐND các cấp ghi nhận, rồi UBND và các cơ quan liên quan xem xét có nhiều điều chỉnh, hoặc có ý kiến lên cấp có thẩm quyền.

Một ví dụ cụ thể trong lĩnh vực thuế. Thường thì doanh nghiệp nộp thuế thu nhập theo quý. Nhưng do việc ứng vốn ngân sách thường chậm hơn thời điểm nộp thuế nên nhiều trường hợp doanh nghiệp phải vay ngân hàng nộp thuế. Sau khi được các doanh nhân là đại biểu dân cử phản ánh, ngành thuế đã thấy được bất cập này và có chính sách giãn thu thuế khiến doanh nghiệp rất hài lòng.

- Có ý kiến lo ngại doanh nhân tham gia đại biểu dân cử sẽ thiếu khách quan trong quá trình hoạch định chính sách, ông nghĩ sao?

- Thường trên diễn đàn, họ chỉ nói trong lĩnh vực của mình đang trực tiếp quản lý, hoặc đang tổ chức thực hiện. Nhưng các vấn đề họ nêu ra đều có ảnh hưởng đến các vấn đề khác. Tôi lấy ví dụ là vấn đề tiếp cận đồng vốn, đất đai, giá cả thì doanh nghiệp lĩnh vực nào cũng quan tâm.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc cân bằng giữa cái tôi doanh nghiệp và cái tôi là đại biểu dân cử?

- Xét về góc độ quản lý nhà nước thì lúc nào phải cân đối và làm theo luật định, đúng chủ trương chứ không thể linh động vượt quá khung khổ. Nhưng đối với doanh nghiệp lại muốn phần được của họ bằng cách  linh động ngay để đáp ứng ngay tức thì nhu cầu công việc trước mắt.

Vì thế, phía Nhà nước cần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, còn doanh nghiệp thì cũng phải chờ đợi sự cải cách thủ tục hành chính đúng tuần tự chứ không thể làm tắt được.

- Theo ông, có hay không doanh nhân tham gia đại biểu dân cử chủ yếu để cải thiện hình ảnh bản thân và doanh nghiệp của mình (PR)?

- Ở Đăk Lăk, các doanh nhân vẫn còn ngại làm đại biểu dân cử. Vì đại biểu dân cử phải đi họp nhiều, phải tham gia các công tác khác. Nếu họ không tham gia thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, điều này không ai muốn cả.

Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận cả quá trình tiền bầu cử. Rõ ràng, không phải tự thân doanh nhân vào được vị trí đó, vì họ không phải là ứng cử viên tự do mà là có sự tuyển chọn theo đúng quy trình, nên họ phải hội đủ các yếu tố mà ban bầu cử đưa ra, được cử tri tín nhiệm. Đó phải là người có đủ đức, tài, vì dân, vì nước, không để lợi ích cá nhân lấn lướt.

- Xin cám ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nhân ứng cử đại biểu dân cử: Không phải để PR
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO