Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn

- Thứ Sáu, 05/10/2012, 08:16 - Chia sẻ
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) luôn được ưu tiên về chủ trương nhưng thực tế lại đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề thiếu vốn. Hiện các DNVVN rất cần được cung cấp vốn đầy đủ với lãi suất hợp lý để có thể hấp thụ cho sản xuất kinh doanh, phục hồi "sức lực" và góp phần kéo nền kinh tế khỏi cơn bĩ cực hiện nay. Đây là chia sẻ của Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam tại Diễn đàn kết nối ngân hàng- doanh nghiệp vừa được tổ chức.

Vốn có nhưng khó vay
 
Theo thống kê, số lượng DNVVN chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng trên 50% lực lượng lao động của nền kinh tế quốc gia và đóng góp khoảng 50% GDP hàng năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn từ năm 2011 đến nay, trong số doanh nghiệp ngừng sản xuất và phá sản thì đa phần là các DNVVN vì đây là đối tượng mà nội lực về vốn và quản trị yếu hơn so với các khối doanh nghiệp khác.
 
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây cho thấy, có 22,5% doanh nghiệp cho biết không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng vì lãi suất quá cao, 20,2% doanh nghiệp cho rằng không đáp ứng được các điều kiện ngân hàng đưa ra, 2,5% doanh nghiệp nói có nợ xấu, 41,6% doanh nghiệp không có nhu cầu vay và 13,1% thuộc về các trạng thái khác. Có nhiều cơ sở để tin rằng, hơn 40% doanh nghiệp có nhu cầu về vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn vay đa phần là nhóm DNVVN.
 
Nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận vốn vay của DNVVN rất hạn chế bởi đặc điểm của nhóm doanh nghiệp này là kinh doanh quy mô nhỏ, ít có chiến lược bài bản nên không đáp ứng được điều kiện tài sản thế chấp. Nhiều dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của DNVVN không chứng minh được tính khả thi trong khi tình hình tài chính thiếu minh bạch và số liệu không đáng tin cậy. Hệ quả là việc phân tích, đánh giá tình hình tài chính của DNVVN không đủ độ tin cậy, ảnh hưởng đến quyết định xem xét cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp. Do đó, tỷ lệ DNVVN tiếp cận được với vốn vay ngân hàng thấp so với nhu cầu vốn thật sự. 
 
Trong bối cảnh nền kinh tế đang hết sức khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào dùng cho sản xuất tăng, nguồn tín dụng cho sản xuất chưa được khơi thông, hàng tồn kho nhiều, tổng cầu giảm… càng làm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kém hiệu quả. Nhìn chung, DNVVN thiếu điều kiện về tài sản thế chấp nên khó tiếp cận với các nguồn tín dụng dài hạn. Không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt kinh doanh dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng đã làm cho nhiều DNVVN rơi vào tình trạng sản xuất với thiết bị cũ, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao và cuối cùng dẫn đến năng lực cạnh tranh bị hạn chế. 
 
Trước thực trạng nhiều DNVVN rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất với lượng hàng hóa bị tồn kho lớn, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nhận định, mặc dù DNVVN đang rất khát vốn, nhưng việc lãi suất cho vay hạ về mức 9 - 10% vào lúc này cũng không ích gì với các doanh nghiệp nếu như các ngân hàng thương mại không thực thi cho các doanh nghiệp giãn nợ, đảo nợ, có cơ hội phục hồi sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài, thì các DNVVN sẽ không vay vốn và không còn đủ sức để đi vay, cho dù ngân hàng thương mại nới lỏng các gói tín dụng ưu đãi hay tiếp tục hạ lãi suất. Tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 7/9, chỉ đạt 1,82%, trong khi ở hầu hết các ngân hàng, tín dụng DNVVN lại giảm mạnh. Những con số thống kê cho thấy "bi kịch" khát vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn, có nhu cầu về vốn mà lại không dám vay vốn của số đông các DNVVN.
 
Các giải pháp thúc đẩy tín dụng cho khối DNVVN
 
Để DNVVN có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, các chuyên gia cho rằng, cần phải có sự gặp gỡ và cải thiện từ cả hai phía. Đối với các DNVVN và vừa, cần chủ động tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính hiện có và năng lực, sở trường của doanh nghiệp. Nhận thức rõ vai trò của đòn bẩy tín dụng, trên cơ sở đó tính toán giới hạn tối đa mức vốn vay và khả năng trả nợ. Đặc biệt là cần phải minh bạch vấn đề tài chính để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Trước mắt, vấn đề cấp bách là giảm bớt hàng tồn kho thông qua các biện pháp như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; đưa hàng về thị trường nông thôn; thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mãi; giảm giá bán sản phẩm nhằm thu hút nhu cầu tiêu thụ…
 
Về phía các ngân hàng thương mại, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, các ngân hàng thương mại nên tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ DNVVN; chủ động ngồi lại với DNVVN, đánh giá lại các khoản nợ, bàn bạc, gia hạn nợ, đáo nợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất các khoản vay cũ, hạ lãi suất cho vay mới. 
 
Theo đại diện các DNVVN, từ trước đến nay đối với các doanh nghiệp nhỏ, ngân hàng thường cho vay dựa trên thế chấp tài sản. Tuy nhiên, các DNVVN thường khó đáp ứng các yêu cầu này. Vì vậy, phía ngân hàng thương mại cần xem xét, đẩy mạnh việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn cho các DNVVN. Đây cũng chính là cánh cửa để gỡ khó cho các DNVVN có dự án khả thi nhưng không có vốn để đầu tư.
 
Cho rằng ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất, tăng tín dụng cho các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lê Văn Hinh nhấn mạnh, việc giảm lãi suất, tăng tín dụng phải theo nguyên tắc cẩn trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi cung cách kinh doanh cũng như cách ứng xử đối với đồng vốn. Tránh tình trạng lạm dụng đòn bẩy tín dụng quá mức mà bỏ qua việc tăng cường khả năng quản trị doanh nghiệp cũng như chú ý đến tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.
 
Các cơ quan quản lý cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các DNVVN vay vốn ngân hàng thông qua việc xây dựng và cấp vốn cho Quỹ bảo lãnh DNVVN. Cùng với đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, ban hành chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại ngay tại thị trường trong nước cũng như các chính sách ân hạn, giảm các loại thuế, phí để doanh nghiệp giảm giá thành, kích thích tiêu dùng. 
 
Bối cảnh hiện tại vừa là khó khăn, thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để các DNVVN đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả đồng vốn theo hướng tăng trưởng bền vững hơn.

Tự Cường