Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập đoàn lớn dẫn dắt

27/06/2015 08:06

“Chúng ta cần xây dựng những tập đoàn mang tính dẫn dắt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ” - đây là quan điểm của ông MẠC QUỐC ANH, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội.

- Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ với nền kinh tế trong thời gian qua?

- Nền kinh tế nước ta đã mở cửa 30 năm, sau Đại hội 6 của Đảng năm 1986. Kể từ đó, mô hình kinh tế tư nhân xuất hiện. Luật Doanh nghiệp cũng đã ra đời và hoàn thiện vào năm 2005. Đến nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Khu vực này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… cụ thể: tạo thêm việc làm cho trên nửa triệu lao động mỗi năm; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP…

Nguồn: acvina.vn
Nguồn: acvina.vn

Hiện có khoảng 10% doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta tham gia sản xuất linh kiện phụ trợ cho một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là tỷ lệ rất khiêm tốn. Hầu hết doanh nghiệp FDI đều mang theo doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ từ bản xứ sang, hoặc tìm đối tác nhập khẩu từ nước khác. Do đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta khó tìm được cơ hội chen chân vào khu vực này.

Hơn nữa, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu về vốn, chất lượng nhân lực, khả năng quản trị cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh... Điều này khiến họ khó cạnh tranh trước các đối tác lớn.

- Vậy phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thưa ông?

- Đầu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, chính quyền cũng như địa phương, đặc biệt là đối với doanh nghiệp mảng công nghiệp phụ trợ. Ở những nước tiên tiến, nhiều công ty sản xuất phụ trợ đã phát triển hàng trăm năm nay. Tôi cho rằng, chúng ta cần học hỏi ở các nước đã thành công về sản xuất công nghiệp phụ trợ. 

Đồng thời, ở các nước phát triển, sức mạnh nền kinh tế của họ về cơ bản dựa trên nền tảng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó sẽ có một vài doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn dẫn dắt thị trường. Thực tế, hiện nay, chúng ta bị lệ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp lớn do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Còn những doanh nghiệp lớn của chúng ta chưa phải là những doanh nghiệp dẫn dắt. Và con số này cũng rất ít. 

- Hiện nay, có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động tìm lối đi cho mình bằng cách sáp nhập với các công ty nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về con đường này?

- Theo tôi có 2 mặt, mặt tốt là các doanh nghiệp chủ động tìm đối tác để nâng cao khả năng cạnh tranh. Và có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm hơn đến công ty của Việt Nam. Tuy nhiên, mặt không tốt là chúng ta sẽ bị thâu tóm, gần như phải đi làm thuê và sản xuất thô chứ không sản xuất tinh. Chúng ta luôn bị ép giá, luôn cung cấp những sản phẩm mà không thu được lợi nhuận cao. Do đó, việc tái đầu tư cũng như tăng nguồn vốn đầu tư sẽ khó khăn khi phải qua nhiều khâu thương mại để bán sản phẩm. Lệ thuộc sân chơi của họ, chúng ta dễ bị thua cuộc.

- Muốn tránh bị thâu tóm thì sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp là giải pháp tốt. Tuy nhiên, tính liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta chưa cao, thưa ông?

- Đúng vậy, mối liên kết của các doanh nghiệp Việt hiện nay chưa tốt. Biểu hiện rõ nhất là cạnh tranh nhau không sòng phẳng trên chính sân nhà. Sự kết nối giữa chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa mạnh. Thực tế, nếu mối liên kết giữa các bên liên quan, cộng đồng doanh nghiệp tốt sẽ giúp việc đầu tư, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp có phương án cụ thể hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp mới phát triển bền vững và có thể thắng trước làn sóng hội nhập. Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà bởi các doanh nghiệp của ta nhỏ và yếu, các doanh nghiệp lớn nước ngoài vào sẽ dễ dàng xé nhỏ để trị.

- Ngoài tính liên kết, có lẽ doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta còn cần tìm điểm mạnh cho riêng mình. Theo ông các doanh nghiệp của chúng ta có thể dựa vào những thế mạnh nào để phát triển bền vững?

- Như tôi trao đổi ban đầu, chúng ta cần tìm và xây dựng những tập đoàn mang tính dẫn dắt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa ra những sản phẩm mang bản sắc dân tộc như dệt may, da giày, cà phê... Đây cũng là cách để hướng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có trách nhiệm với nền kinh tế nước nhà. Tôi cho rằng, việc này không quá khó vì với hơn 90 triệu dân, thị trường nội địa cũng đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp có thể hướng tới. Bên cạnh đó, các sản phẩm mang tính bản sắc cũng sẽ thuận lợi cho xuất khẩu.

- Xin cám ơn ông!

 Cần xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Luật này mang tính chất đặc thù, không trùng lặp và mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp 2014. Nhiều quốc gia đã ban hành và thực thi Luật này như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều quan trọng là sau khi có Luật, những chính sách dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực thi, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội Mạc Quốc Anh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập đoàn lớn dẫn dắt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO