Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được ưu đãi

Nguyễn Ngọc 11/05/2018 07:41

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực đến nay vừa tròn 3 năm. Nếu như doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng thị trường thì doanh nghiệp Việt lại chưa làm được điều đó.

Chững lại

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương vừa phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Hội thảo “Tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)” tại Hà Nội. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Âu Lê An Hải cho biết, VKFTA có hiệu lực từ ngày 20.5.2015 đóng vai trò rất quan trọng, thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, giúp nước ta hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực. “Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc là nhà đầu từ nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 58 tỷ USD trong năm 2017”, ông Hải chia sẻ.

Theo đại diện Bộ Công thương, sau gần 3 năm VKFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng tăng trưởng đều. Năm 2017, lần đầu tiên thương mại 2 chiều vượt hơn 60 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2020, kim ngạch thương mại 2 nước sẽ đạt 100 tỷ USD. Với lộ trình giảm thuế theo cam kết của VKFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về FDI trong nhiều năm tới.

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được ưu đãi ảnh 1

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VKFTA trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có xu hướng chững lại. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O đạt 84% vào năm 2013, song từ đó đến nay liên tục giảm, đặc biệt sau khi hai nước ký kết VKFTA. Theo lý giải của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, nguyên nhân không phải tỷ lệ tận dụng bị giảm đi mà do dấu hiệu bão hòa của một số mặt hàng xuất khẩu trọng điểm. Việc chưa tận dụng được ưu đãi từ VKFTA là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc truyền tải thông tin chính xác, đầy đủ, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, chứng nhận xuất xứ tới doanh nghiệp.

Tận dụng ưu đãi

Theo nghiên cứu mới đây của Bộ Công thương và KOTRA, tỷ lệ tận dụng Hiệp định VKFTA của các doanh nghiệp Việt Nam thực sự chưa được như kỳ vọng. Thông qua các phiếu khảo sát với 7 doanh nghiệp Việt Nam và 7 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, ông Daekyoo Choi của Công ty Dịch vụ Hải quan Shinhan cho biết, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tận dụng VKFTA của các doanh nghiệp. Những khó khăn chiếm tỷ lệ lớn gồm: Thiếu kiến thức cần thiết về vận dụng FTA, thiếu thông tin liên quan về FTA, thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ trong FTA, khó khăn trong việc phân loại các danh mục nguồn nguyên liệu.

Mặt khác, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Âu Lê An Hải cho rằng, việc tận dụng ưu đãi từ VKFTA mới chỉ được thực hiện tốt trong một số ngành hàng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là nhỏ và vừa chưa tận dụng được. Sự mơ hồ về các điều khoản, quy định, nhất là về quy tắc xuất xứ (C/O) khiến các doanh nghiệp còn lúng túng, thậm chí thực hiện sai.

Về phương án nâng cao hiệu quả tận dụng ưu đãi từ VKFTA, ông Daekyoo Choi cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức liên quan đến các hiệp định thương mại (FTA) cho đội ngũ nhân viên phụ trách từ vấn đề xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, thậm chí đến bán hàng. Tiếp đó, doanh nghiệp cần xây dựng mạng lưới liên kết với đối tác để cùng nhau vận dụng, chia sẻ những kiến thức liên quan đến tận dụng ưu đãi từ các hiệp định và kịp thời đưa ra những biện pháp ứng phó với thay đổi của thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh và có hệ thống quản lý đầy đủ cơ sở dữ liệu để quản lý mã HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành) của nguồn nguyên liệu, cũng như tài liệu lưu trữ, thông tin liên quan đến xuất xứ sản phẩm.

Bên cạnh đó, giáo sư Hansung Kim, Đại học Ajou gợi ý, Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác lập kế hoạch xây dựng một hệ thống chứng nhận xuất xứ đồng bộ, thích hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đây là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh giao thương hàng hóa.

Trước mắt, để sớm tận dụng được các điều khoản ưu đãi trong VKFTA, đại diện Cục Xuất nhập khẩu Trần Minh Trang khuyến cáo, doanh nghiệp cần tránh một số lỗi cơ bản để không bị xác nhận lại xuất xứ, giảm thiểu khả năng từ chối ưu đãi như: Ngôn ngữ trên C/O thống nhất là tiếng Anh, giá trị FOB chỉ ghi khi bắt buộc, sử dụng đúng mã HS khi chuyển đổi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được ưu đãi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO