Nhìn lại bức tranh kinh tế nước ta cho thấy có nhiều điểm sáng, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%). Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế vẫn còn đối diện với một số thách thức. Chỉ tính trong 9 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.
Nhìn vào số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn chưa thật sự bền vững.
Thời gian qua đã có nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển song doanh nghiệp vẫn đang đối diện với khó khăn từ bên ngoài và từ chính nội tại nền kinh tế. Đó là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, thách thức về nguồn lao động. Đây là một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp dệt may phải đối diện trong thời gian qua.
Ngoài ra, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp vẫn thường phản ánh trong các hội nghị, hội thảo khi đề cập đến giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp đó là nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do những năm qua tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng hạ hạn mức cho vay và nâng tỷ lệ thế chấp, trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp cũng phản ánh đang phải gánh áp lực cao về chi phí thuê mặt bằng khi thị trường bất động sản không ổn định và có xu hướng tăng giá cao trong thời gian qua.
Còn một rào cản khác nữa là thủ tục hành chính. Cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc. Dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo đơn giản, cắt giảm khá nhiều thủ tục nhưng khi bắt tay vào thực hiện, đôi khi doanh nghiệp vẫn bị rơi vào tình trạng “thông chỗ này, bị tắc chỗ kia”, bởi các quy định pháp luật liên quan vẫn còn vướng mắc. Tình trạng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật không mang tính thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn xảy ra. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Theo phản ánh thì thủ tục giải phóng mặt bằng là một trong những gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính - đây cũng chính là rào cản vô hình làm tăng chi phí, giảm cơ hội của doanh nghiệp.
“Sức khỏe” doanh nghiệp là thước đo của nền kinh tế; do đó, Chính phủ cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, đánh giá làm rõ hơn công tác cải cách thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng sẽ là chưa đủ nếu doanh nghiệp không “tự lớn” để khẳng định sức mạnh nội tại của mình. Chỉ khi doanh nghiệp tự đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ thì mới đủ “sức khỏe”, đủ tự tin để cạnh tranh trong tình hình hội nhập như hiện nay.