Ngày càng khẳng định vai trò then chốt
- Chúng ta vừa trải qua cơn bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, sơ bộ thiệt hại hiện lên tới 81,5 nghìn tỷ đồng và làm giảm 0,15% tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay. Trong bối cảnh đó, vai trò, vị thế của doanh nghiệp tư nhân càng được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Có thể khẳng định, trong suốt gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Đặc biệt, tháng 10.2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây chính là cơ hội lịch sử để cộng đồng doanh nhân Việt Nam chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh và tạo sức bật mới.
Mới nhất, tháng 9.2024, ngay sau cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, Thường trực Chính phủ lần đầu tiên tổ chức cuộc làm việc chuyên đề với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt lớn của Đảng, Chính phủ.
Và về phía các doanh nghiệp tư nhân cũng luôn thể hiện vai trò then chốt, là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Đến nay, chúng ta đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, củng cố an ninh quốc phòng và giữ vững độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ngay sau cơn bão số 3 khoảng một tuần, các doanh nghiệp sản xuất đã nhanh chóng quay trở lại sản xuất, qua đó đóng góp vào kết quả tăng trưởng quý III đạt 7,4% và 9 tháng là 6,82%, dự kiến tăng trưởng cả năm vẫn đạt khoảng 7%. Điều đó thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn, thách thức.
Hiện nay, cộng đồng doanh nhân luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, nhanh chóng thích ứng, bắt nhịp những biến chuyển mau lẹ, mạnh mẽ của thời đại; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xu thế phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh mới dựa trên những thành tựu công nghệ đột phá như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số… Nhờ đó, khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện một số tập đoàn lớn, có tiềm lực mạnh, dũng cảm vươn ra cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Rõ ràng, khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh và càng trở thành trụ cột, đóng vai trò then chốt, là động lực quan trọng cho nền kinh tế.
- Trong báo cáo vừa trình Thủ tướng của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra “hụt hơi” so với các khu vực kinh tế khác trong quá trình phục hồi, với 20,4% doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay “rất tiêu cực” so với cùng kỳ 2023 (tỷ lệ của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 9,7% và 14,8%). Rõ ràng, các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang rất khó khăn?
- Khu vực kinh tế tư nhân hiện còn không ít hạn chế, yếu kém so với yêu cầu phát triển, như về quy mô, nguồn lực, trình độ công nghệ, năng lực quản trị… Cùng với đó là những khó khăn, thách thức gay gắt do tác động tiêu cực, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước chưa thể khắc phục ngay một sớm, một chiều. Tác động của cơn bão số 3 sẽ còn dai dẳng. Vì thế, các doanh nghiệp đang rất mong đợi vào những chính sách hiệu quả, thiết thực từ phía Nhà nước trong tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…
Cần chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc
- Chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, thưa ông?
- Có thể nói, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ phát triển như vũ bão và vị thế của Việt Nam đang lên, cộng đồng doanh nhân đang khao khát khí thế sáng tạo, cống hiến sôi động, sự hưng phấn trở lại. Đây cũng chính là lúc tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được đề cao hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã và đang có sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để chấn hưng được sự phát triển vươn mình của đất nước, đặc biệt là tạo động lực cho phát triển kinh tế. Bên cạnh việc hiến kế cho Đảng và Nhà nước thì doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang chủ động tiếp thu, thích ứng và làm chủ những tiến bộ khoa học công nghệ; đồng thời dự báo đón đầu những phát triển mới của công nghệ ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Đặc biệt, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, đội ngũ doanh nhân đang nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình, nung nấu tư duy, khát vọng, bồi đắp nguồn lực và nhân lên tầm cao sứ mệnh với tâm thế mới, xung lực mới vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì sự cường thịnh của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
- Để phát triển đất nước, việc thành lập những doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt là rất quan trọng. Theo ông, cần có chính sách đột phá như thế nào để có thể hình thành những doanh nghiệp này?
- Hiện Việt Nam đã trở thành số 1, số 2 trong nhiều ngành hàng, lĩnh vực trên thế giới, từ xuất khẩu nông sản đến phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu. Cộng đồng doanh nhân là tầng lớp có hoài vọng, tri thức, có trí tuệ, đã và đang là những hạt nhân đi đầu trong xã hội. Bởi vậy, xây dựng vị thế tiên phong cho cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là đề cao vai trò của doanh nhân hiến kế cho Đảng và Nhà nước trong xây dựng chủ trương, chính sách, thúc đẩy nền kinh tế phát triển đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Để xây dựng vị thế tiên phong cho cộng đồng doanh nhân, rất cần chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc chính là khơi dậy vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó, phát triển các doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng vì có thể hiểu các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ngoài ra, chiến lược phát triển cộng đồng doanh nhân trong bối cảnh mới cần sự thống nhất những giá trị và nguyên tắc đạo đức, văn hóa cơ bản trong kinh doanh. Đồng thời, việc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, mà phải bổ sung các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm" là nội dung mà đội ngũ doanh nhân trên cả nước mong mỏi.
- Xin cảm ơn ông!