Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lớn?

13/10/2018 08:46

Lâu nay một số ý kiến cho rằng vì nhiều lý do doanh nghiệp nước ta muốn cũng không lớn được. Với điều kiện nội tại của mình, doanh nghiệp nhỏ và vừa liệu có thể lớn được hay không? “Hoàn toàn có thể”, ĐBQH, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam NGUYỄN VĂN THÂN trả lời.

Bảo đảm cho sự chắc chắn của nền kinh tế

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97 - 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Ông nhận xét thế nào về vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp của khu vực này đối với nền kinh tế?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lớn? ảnh 1
Chính phủ không thể cầm tay doanh nghiệp để dẫn đi làm, mà doanh nghiệp phải tự thân vận động, phải đổi mới tư duy và phải nắm bắt những hỗ trợ vĩ mô của Chính phủ. Chính phủ có hỗ trợ đến đâu mà doanh nghiệp không chịu làm thì cũng chịu. Muốn lớn nhanh thì bản thân doanh nghiệp phải thay đổi lại tư duy, làm ăn chụp giật thì kiểu gì cũng chết.

ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân

- Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 40% GDP của cả nước, giải quyết được 60% số lượng lao động, đa ngành đa lĩnh vực. Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa với nền kinh tế. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể đưa được nền kinh tế bứt phá, nhưng bảo đảm cho sự chắc chắn, là “xương sống” của nền kinh tế. Bởi lẽ, ở mặt bằng chung của nền kinh tế, ở bất cứ địa phương nào, lĩnh vực nào cũng đều có sự tham gia và đóng góp tích cực của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Ông cảm nhận như thế nào về sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời, phát triển?

- QH, Chính phủ và các cơ quan quản lý rất quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, xác định vai trò rất lớn của khối doanh nghiệp này đối với sự phát triển của nền kinh tế. Những giải pháp quyết liệt từ Chính phủ như Nghị quyết số 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, hay các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ... đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, đã có nhiều mục để hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, đào tạo, kỹ năng quản lý, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

 Với sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực này kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều. Tuy nhiên, Luật có hiệu lực từ 1.1.2018, nhưng đến giờ các văn bản hướng dẫn vẫn chưa hoàn thiện. Ví dụ, việc hướng dẫn để hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, một số tỉnh thành làm được nhưng trên bình diện toàn quốc thì chưa. Hay như việc hướng dẫn phí thành lập doanh nghiệp, tuy không nhiều nhưng cũng chưa thành hiện thực. Hiện nay cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, nếu có cơ chế chuyển đổi hữu hiệu thì mục tiêu QH đề ra đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp mới có thể đạt được.

Rào cản nằm ở khâu thực thi

- Nhiều chuyên gia vừa qua cho rằng doanh nghiệp có muốn lớn cũng không lớn được, theo ông là vì sao?

- Theo tôi có hai mặt. Về khách quan, hiện nay tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Vừa rồi Chính phủ phát động và rất ủng hộ tinh thần này, thậm chí có Quỹ Đầu tư thiên thần, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây là “đề pa” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Nhưng rào cản nằm ở những cơ quan thực thi trực tiếp, không quyết liệt, không thực tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. QH, Chính phủ đã có những chính sách rõ ràng rồi, nhưng thực thi vẫn là khâu yếu nhất. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Do đó, doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”.

Mặt khác, từ phía doanh nghiệp, một bộ phận nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, “đi đêm”… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc, mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của doanh nghiệp, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.

Về mặt chủ quan, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dù xuất hiện mấy chục năm nay thì vẫn là mới so với thế giới. Trong khi hội nhập quốc tế nhanh quá nên doanh nghiệp chậm đáp ứng được yêu cầu phát triển.

- Với các điều kiện nội tại của doanh nghiệp, liệu họ có thể lớn lên được không?

- Theo tôi là hoàn toàn có thể được, nhưng nó lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Có hộ cá thể có doanh thu rất lớn nhưng không chịu vào làm doanh nghiệp. Đấy cũng là cách doanh nghiệp không lớn. Vì sao? Vì nghĩa vụ bắt buộc của hộ kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều so với doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp là phải nộp nhiều loại thuế như môi trường, thuế VAT... Nhiều hộ cá thể không muốn nâng lên trở thành doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp cho Nhà nước sẽ nhiều hơn so với hộ kinh doanh cá thể.

- Vậy cần có thêm những điều kiện gì để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn được, thưa ông?

- Theo tôi, phải đưa các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang tồn tại thì hỗ trợ vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất kinh doanh, pháp luật và đào tạo kỹ năng. Những việc này Nhà nước có ngân sách nhưng không thể đủ cho tất cả doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải song hành với Nhà nước. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, không có sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như vậy là không đúng. Chỉ có điều hai bên chưa đến với nhau được. Ví dụ, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhưng tiền đọng lại ở ngân hàng, cho vay được rất ít; Quỹ bảo lãnh tín dụng có rồi nhưng chưa thực hiện được. Tất nhiên, về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng được điều kiện vay.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lớn?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO