Doanh nghiệp nhà nước vẫn thiếu mặn mà

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 06:19 - Chia sẻ
Mặc dù đấu thầu qua mạng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính, tuy vậy, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) vẫn chưa mặn mà với hình thức này. Bằng chứng là trong năm 2020, các doanh nghiệp này chỉ chiếm hơn 20% tỷ lệ gói thầu cũng như giá trị thực hiện đấu thầu qua mạng.
EVN dẫn đầu về đấu thầu qua mạng cả số lượng và giá trị gói thầu
Nguồn: ITN

Chênh lệch lớn

Theo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2020, có tổng cộng 98.172 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng, chiếm 86,6% tổng số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng của Hệ thống. Tổng giá trị đạt hơn 303.000 tỷ đồng, chiếm 54,6%.

Trong đó, 25 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện 22.252 gói thầu qua mạng, chiếm 92,4% tổng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng của Hệ thống; giá trị gói thầu thực hiện qua mạng đạt hơn 72.133 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng giá trị.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện áp đảo cả về số lượng gói thầu thực hiện qua mạng cũng như giá trị. Cụ thể, năm 2020, EVN thực hiện 16.555 gói thầu qua mạng, chiếm 96,5% tổng gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng của Hệ thống với tổng giá trúng thầu gần 55.200 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, lần đầu tiên một gói thầu xây lắp có quy mô, giá trị lớn, tính chất phức tạp là Gói thầu Xây lắp công trình Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, có giá gói thầu khoảng 3.100 tỷ đồng đã được Tập đoàn tổ chức đấu thầu qua mạng thành công.

Tính chung trong giai đoạn 2014 - 2020, EVN và các đơn vị đã tổ chức đấu thầu qua mạng hơn 30.300 gói thầu, đạt tỷ lệ hơn 30% tổng số gói thầu toàn Tập đoàn. Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, đặt mục tiêu đến năm 2022, 100% gói thầu của EVN và các đơn vị đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng.

Xét về số lượng gói thầu thực hiện qua mạng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) xếp vị trí thứ hai với 1.865 gói thầu; vị trí thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với 1.086 gói thầu. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lần lượt giữ vị trí số 4 và 5 về số lượng gói thầu thực hiện qua mạng, với 769 và 661 gói thầu.

Xét về tổng giá trị đấu thầu qua mạng, TKV giữ vị trí thứ hai với hơn 5.800 tỷ đồng; tiếp đến là VNPT với hơn 4.900 tỷ đồng; Viettel hơn 3.000 tỷ đồng; PVN hơn 760 tỷ đồng…

Đối với 20 doanh nghiệp nhà nước còn lại, số lượng gói thầu qua mạng chỉ đạt dưới 300 gói thầu. Một số đơn vị dù đạt 100% gói thầu qua mạng song số lượng gói thầu và giá trị khá khiêm tốn, như Tổng công ty Lương thực miền Nam có 4/4 gói thầu thực hiện qua mạng với 11,1 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Bắc có 5/5 gói thầu qua mạng với giá trị đạt 23,5 tỷ đồng.

Nhìn chung, tỷ lệ gói thầu thực hiện qua mạng của các doanh nghiệp nhà nước đều đạt trên 50% tổng số gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng của Hệ thống, loại trừ Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ có 35,7% (25/70 gói thầu thực hiện qua mạng). Cá biệt, Tổng công ty Cà phê Việt Nam không có gói thầu nào trong phạm vi đấu thầu qua mạng của Hệ thống, đồng nghĩa năm 2020 không có gói thầu nào thực hiện qua mạng.

Cần có chế tài cụ thể

Theo đánh giá của Cục Đấu thầu, việc thực hiện đấu thầu qua mạng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm về thời gian, chi phí hành chính. Cụ thể, theo thống kê trên Hệ thống năm 2020, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng (từ khi phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) so với đấu thầu truyền thống tiết kiệm được 06 ngày. Quy đổi giá trị tiết kiệm được về thời gian theo chi phí tiền lương/ngày công ước tính chi phí tiết kiệm khi áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2020 khoảng trên 500 tỷ đồng.

Theo khảo sát các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm chi phí hành chính so với đấu thầu truyền thống là 5 triệu đồng (bao gồm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn, nhân công). Số lượng nhà thầu trung bình tham dự một gói thầu điện tử là 2,5 nhà thầu/gói thầu điện tử. Ước lượng tỷ lệ tiết kiệm chi phí hành chính cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng năm 2020 là 1.125 tỷ đồng.

Lợi ích của đấu thầu qua mạng rất lớn, tuy vậy dù các doanh nghiệp nhà nước đã quan tâm thực hiện song kết quả khá khiêm tốn cả về số lượng lẫn giá trị. Theo đó, số lượng gói thầu qua mạng của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 22,6% tổng gói thầu qua mạng của cả nước và chỉ chiếm 23,8% về giá trị.

Trong thời gian tới, để bảo đảm công khai, minh bạch hơn nữa trong hoạt động đấu thầu, cần đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng, trong đó phải phát huy vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp nhà nước. Muốn vậy, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, hiệu quả và lợi ích của đấu thầu qua mạng; nâng cấp Hệ thống; đôn đốc triển khai đấu thầu qua mạng; có lẽ cũng cần áp chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp nhà nước và thực thi nghiêm túc mới mong tăng số lượng gói thầu qua mạng.

Đan Thanh