Doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ mới: Thể chế đã mở, tư duy có theo kịp?
Ngày 1/8 tới đây đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực. Những thay đổi lớn trong luật này không chỉ thể hiện tư duy quản lý mới của Nhà nước, mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Trao quyền thực sự cho doanh nghiệp
Lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, DNNN được toàn quyền quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho người lao động và cán bộ quản lý trên cơ sở quỹ lương được giao. Đồng thời, doanh nghiệp có thể trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển và tối đa 3 tháng lương vào Quỹ khen thưởng - phúc lợi. Đây là cú huých thể chế quan trọng, chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý nội bộ vốn làm giảm động lực cạnh tranh của DNNN suốt nhiều năm qua.

Một điểm đột phá khác là việc gỡ bỏ các rào cản về ngành nghề đầu tư, trong đó có bất động sản - lĩnh vực trước đây DNNN bị giới hạn hoặc không được tham gia. Ngoài ra, các DNNN nắm trên 50% vốn điều lệ còn được phép cho vay nội bộ với công ty con theo quy định riêng, góp phần tăng tính linh hoạt trong quản trị dòng vốn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Nhà nước đã “mở hết cỡ về thể chế”, từ sửa đổi luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, đến các chính sách về thuế, kế toán, định giá tài sản... Nhà nước chuyển vai trò từ "điều hành" sang "kiến tạo", chỉ tập trung quản lý phần vốn góp, trao quyền chủ động cho DNNN quyết định cơ chế tiền lương, đầu tư, huy động vốn và cả chiến lược phát triển. Đây không chỉ là một bước cải cách về hình thức mà là thay đổi căn bản trong cách tiếp cận quản lý DNNN, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực sự vận hành theo nguyên tắc thị trường.
DNNN trong vai trò lực lượng tiên phong
Hiện Việt Nam có hơn 670 DNNN, trong đó khoảng 2/3 là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng DNNN đang nắm giữ một lượng tài sản khổng lồ, lên tới gần 4 triệu tỷ đồng (số liệu Bộ Tài chính 2024), đóng góp gần 30% GDP - một tỷ trọng không thể xem nhẹ trong cấu trúc nền kinh tế. Vai trò của DNNN cũng không chỉ giới hạn ở sản xuất - kinh doanh thuần túy, mà còn gắn với các nhiệm vụ cung cấp hàng hóa - dịch vụ công ích, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và điều tiết thị trường trong các thời điểm bất ổn.
Trong khi Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì không vì thế vai trò của DNNN suy giảm. Ngược lại, sự song hành giữa khu vực tư nhân năng động và DNNN hiệu quả là điều kiện cần thiết để nền kinh tế phát triển bền vững, tự chủ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, yêu cầu đặt ra với DNNN không dừng lại ở bảo toàn vốn hay bảo đảm hoạt động ổn định, mà phải thực sự trở thành lực lượng tiên phong trong những lĩnh vực then chốt như chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Với lợi thế quy mô, tài nguyên và hạ tầng, DNNN có thể trở thành đầu tàu thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics, năng lượng, tài chính công…; phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, nông nghiệp công nghệ cao - DNNN cần gánh vác vai trò khởi xướng và dẫn dắt; an sinh xã hội và dịch vụ công DNNN trong ngành y tế, giao thông, giáo dục... vẫn là trụ cột trong bảo đảm bình đẳng tiếp cận dịch vụ cho người dân; hội nhập và định vị thương hiệu Việt - những DNNN lớn như Viettel, EVN, PVN... không chỉ là biểu tượng nội lực quốc gia mà còn là công cụ chiến lược trong cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, để hoàn thành vai trò này, DNNN không thể tiếp tục tồn tại trong tư duy “được bao cấp, không cần cạnh tranh”. Cần một cuộc cải cách kép: vừa từ thể chế Nhà nước (trao quyền), vừa từ nội tại doanh nghiệp (tự làm mới).
Trao quyền thực sự đi kèm với cơ chế giám sát hợp lý
Dù luật mới đã trao quyền nhiều hơn, nhưng rào cản về tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm” vẫn phổ biến ở các cấp quản lý vốn. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan chủ quản còn thiếu thông suốt, dễ làm giảm hiệu lực của cơ chế mới. Ngoài ra, năng lực quản trị của nhiều DNNN vẫn còn yếu, nhất là ở cấp hội đồng quản trị và đội ngũ quản lý. Theo Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cũ), đến cuối năm 2024, mới chỉ có khoảng 35% DNNN áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp theo thông lệ OECD. Sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ, chậm chuyển đổi số, và thiếu minh bạch tài chính cũng là những điểm nghẽn lớn.
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt chuyển đổi mô hình tăng trưởng, được trao quyền để DNNN thực sự “ra sân”. Trong bức tranh đó, DNNN cần được xác định là lực lượng chủ công trong các lĩnh vực có vai trò kiến tạo, ổn định và dẫn dắt. Việc sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước là bước đi mạnh mẽ và đúng hướng, nhưng để tạo ra chuyển biến thực chất, cần thực thi quyết liệt các quy định mới, tránh tình trạng "luật đẹp nhưng không đi vào cuộc sống”.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả, minh bạch, tránh lạm dụng quyền lực hoặc buông lỏng quản lý. Nâng cao năng lực hội đồng quản trị, quản lý DNNN, gắn trách nhiệm với hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Đổi mới cách tiếp cận quản lý vốn nhà nước, theo hướng phân biệt rõ vai trò Nhà nước - doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ khi được trao quyền thực sự đi kèm với cơ chế giám sát hợp lý và sự chủ động từ chính DNNN, khu vực DNNN mới có thể phát huy vai trò “người mở đường”, đồng hành với khu vực tư nhân đưa nền kinh tế Việt Nam tiến nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.