Doanh nghiệp nhà nước đứng ngoài tác động của CPTPP

- Thứ Năm, 08/04/2021, 05:35 - Chia sẻ
Trong khi doanh nghiệp nước ngoài và dân doanh cảm nhận rõ nét về tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì phần lớn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đứng ngoài những tác động này. Đây là thông tin trong báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 7.4.

Dư địa xuất khẩu còn rất lớn

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 tăng 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ với 0,7%; xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ 26% - 36%.

Kết quả này đặt trong bối cảnh hầu như tất cả đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực. Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ cả trực tiếp và gián tiếp.

Mặc dù vậy, so với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang cho hay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường CPTPP năm 2019 (7,2%) thấp hơn tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ (8,4%). Với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Nguồn: ITN

Theo đánh giá của bà Nguyễn Cẩm Trang, dư địa để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường CPTPP còn rất lớn bởi thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Cụ thể Nhật Bản chiếm 3,1%, Australia chiếm 1,9%, New Zealand chiếm 1,6%, Canada chiếm 1,1%, và Singapore chiếm 1%.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, rất thấp so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) cũng như so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Theo bà Trang, đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế.

Ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018.

Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị (từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương giảm 52%).

Về tốc độ, vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia (giảm gần 63%), Malaysia (giảm 50%)… Mặc dù có một số lý do kỹ thuật nhưng trong tổng thể chung đây vẫn là kết quả gây thất vọng, đặc biệt khi tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này.

Hội nhập chưa "chạm" tới doanh nghiệp nhà nước

Khảo sát của VCCI cho thấy, 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về CPTPP, cao hơn tất cả các hiệp định thương mại tự do khác. 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang nhìn nhận, kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng chủ yếu là trên bề mặt. “Với một hiệp định khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới", bà Trang chia sẻ.

Đặc biệt, theo khảo sát, doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP với 51 - 52% doanh nghiệp của nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% doanh nghiệp đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực. Ngược lại, khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này. Cụ thể, 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì - với các hiệp định khác cũng như vậy. "Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các hiệp định thương mại tự do chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này. Đây là điều hơi tiếc nuối", bà Trang nói.

Về các tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định này. 3/4 doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm vừa qua. Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP.

Để tận dụng tốt hơn hiệp định này, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, cùng với đó, chủ động nắm bắt thông tin về hiệp định và nắm bắt những biến động thị trường.

Với Chính phủ, và các bộ, ngành, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất, các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Các hoạt động này cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Tuệ Anh