Doanh nghiệp mập mờ, người tiêu dùng thiệt

01/08/2015 08:21

Mỗi năm Việt Nam chi đến 23 nghìn tỷ đồng để nhập sữa mà người tiêu dùng chưa phân biệt được sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng. Việc công bố tỷ lệ sữa không rõ ràng này là “cơ hội” để các nhà sản xuất, kinh doanh kiếm lợi nhuận và người dân là phải chịu thiệt hại…

Khó phân biệt do đâu?

Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội với chủ đề: “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm sữa dạng lỏng” các ý kiến đều cho rằng, khái niệm “sữa tiệt trùng” và “sữa tươi” đang khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Do đó, người tiêu dùng mất tiền mua sữa mà không biết mình mua sữa bột hay sữa tươi. Trong khi, theo công thức chế biến thì khi làm sữa bột, các hãng tách lấy chất béo rất quý trong sữa để làm sản phẩm khác. Sữa bột được bổ sung dầu thực vật làm lại thành sữa nước nên chất lượng không thể bằng chất béo nguyên bản của sữa bò.

Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng không phân biệt được vì quá nhiều đơn vị quảng cáo sữa tiệt trùng, thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng... Và theo mắt thường nhìn trên bao bì của nhiều hãng sữa có in dòng to là sữa tiệt trùng, chỉ phần in nhỏ mới nói làm từ sữa bột. Tình trạng này có thể hiểu là sự mập mờ, làm người tiêu dùng dễ bỏ qua việc đọc và tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, nguyên liệu sản xuất sữa. Việc nhầm lẫn như thế sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dùng.

Nguồn: vcmedia.vn
Nguồn: vcmedia.vn

Không ít ý kiến cho rằng, trước khi làm sản phẩm nhà sản xuất đều đi đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, được cấp giấy chứng nhận cái nào là sữa tiệt trùng, cái nào là sữa tươi thì họ mới bắt tay làm nên khó có chuyện nhầm lẫn tên gọi.

Về phía các cơ quan chức năng, phát biểu tại phiên họp đều khẳng định, khái niệm “sữa tiệt trùng” được sử dụng do đặc thù sản xuất trong nước; thành phần cấu tạo nên sữa tiệt trùng đã được nói rõ trong quy chuẩn, không gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, từ quy định đến thực tế đang có những bất cập thì cũng cần thấy một điều dễ hiểu rằng, nhà kinh doanh quan tâm đến lợi nhuận và có thể dùng nhiều cách để lách quy định để đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình. Do đó, để bảo đảm công bằng cho người tiêu dùng thì ngoài việc các cơ quan chức năng ra quy định cũng cần ngồi lại với nhau để thảo luận xem sản phẩm đó đem bán ra thị trường thì có xứng với đồng tiền mà người tiêu dùng bỏ ra hay không. Tiền bỏ ra nhiều mà chất lượng ít hay chất lượng bảo đảm mà khối lượng không đúng thì không được, Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó chánh văn phòng Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đề xuất.

Nên thay đổi quy chuẩn…

Thực tế, hiện nay việc quản lý chất lượng sữa nước chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất. Khâu hậu kiểm chỉ còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, một số chỉ tiêu ghi trên bao bì nhưng ít có kiểm tra phân tích mẫu theo định kỳ thường xuyên. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp sản xuất sữa với dây chuyền công nghệ hiện đại cao nên đều đạt về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn vấn đề tỷ lệ sữa tươi, sữa bột như thế nào hầu hết chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát kỹ, thường xuyên. Trong khi đó hiện nay, do thiếu nguồn sữa bò tươi trong nước nên các doanh nghiệp sản xuất sữa đã nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về để sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt thương mại, doanh nghiệp có quyền nhập sữa bột, không ai cấm nhưng họ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về nhãn mác để người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề quy định, năm 2010, Bộ Y tế có Thông tư 30/2010/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng. Trong đó, sữa dạng lỏng làm từ sữa bột không còn được gọi là “sữa hoàn nguyên” mà gọi là “sữa tiệt trùng”. Tên gọi này không gọi thẳng vào nguyên liệu sản xuất (sữa bột hay sữa tươi) mà chỉ là tên phương pháp chế biến, dùng chung cho cả sữa bột và sữa tươi. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định bắt buộc (khác với tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ mang tính khuyến khích). Và các hãng sữa dựa theo đó để ghi nhãn.

Theo đó, để tránh tình trạng nhầm lẫn cũng như cần có những quy định rõ ràng hơn đối với doanh nghiệp sản xuất sữa, đại diện Bộ Công thương kiến nghị: “dùng công nghệ tiệt trùng hay thanh trùng là việc của doanh nghiệp để bảo quản sữa lâu, bán được nhiều. Người tiêu dùng không cần quan tâm; cái cần là trong sữa đó có gì. Bộ Y tế cần sửa lại”.

Thực tế, đầu năm 2015, vấn đề cần sửa lại Thông tư 30 của Bộ Y tế đã được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Bởi theo lý lẽ người tiêu dùng dễ phân biệt giữa sữa tươi và sữa nước làm từ sữa bột hơn nếu khái niệm “sữa tiệt trùng” được chia tách cụ thể thành “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa pha lại tiệt trùng” như cách gọi được thế giới công nhận… Tại cuộc họp này, một lần nữa các đại biểu đều cho rằng, Bộ Y tế cần nhanh chóng sửa quy chuẩn để tránh nhầm lẫn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp mập mờ, người tiêu dùng thiệt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO