Lực lượng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
- Nhìn lại sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, ông ấn tượng với điều gì?
- Có thể thấy, thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, tính từ thời điểm Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 đến nay, lực lượng doanh nghiệp đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tới nay, nền kinh tế có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, tăng trưởng kinh tế, việc làm. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện góp khoảng 60% GDP, 85% số lao động, và 98% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đồng thời đóng góp rất lớn vào tổng nguồn vốn đầu tư xã hội.
Hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn đã tích luỹ đủ năng lực về vốn, trình độ công nghệ và quản trị, có thương hiệu để vươn ra thị trường khu vực thế giới, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực; củng cố an ninh quốc phòng; là lực lượng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của đất nước, hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường về kinh tế.
Phát triển lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như Nghị quyết số 10-NQ/của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2023, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là những định hướng quan trọng khẳng định về sự vai trò của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, đồng thời thúc đẩy các cải cách về quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực như gia nhập thị trường, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, lao động… nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp.
- Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững cũng như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 Với 98% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi, phát triển xanh, thưa ông?
- Đúng là các doanh nghiệp của nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển. Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là về mặt nhận thức. Trừ một số doanh nghiệp lớn, một số chủ doanh nghiệp đã thực sự ý thức được sự cần thiết và chủ động trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay vẫn mới chỉ đáp ứng yêu cầu này khi thị trường yêu cầu. Bên cạnh vấn đề về nhận thức, năng lực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh các doanh nghiệp Việt Nam cũng khá hạn chế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng với đó là những khó khăn từ nguồn nhân lực, công nghệ, quản lý quy trình chuyển đổi, nhất là vấn đề tài chính. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng họ không biết phải bắt đầu chuyển đổi từ đâu, làm thế nào, cách thức ra sao. Ví dụ như hiện nay để ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào là điều không phải dễ dàng. Nhiều DNNVV hiện đang loay hoay, bối rối và không biết bắt đầu tư đâu và làm như thế nào. Bởi vậy, cùng với nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài, bao gồm từ phía Nhà nước.
Vun đắp cho động lực tăng trưởng mới
- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường với tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước. Theo ông, đâu là những điểm sáng để các doanh nghiệp có niềm tin và đánh giá tích cực về nền kinh tế?
- Điểm sáng nổi bật trong nền kinh tế đó chính là môi trường kinh tế vĩ mô, những cân đối lớn vẫn được ổn định. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng củng cố niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tạo tiền đề cho các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài luôn nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và triển vọng tăng trưởng để đưa ra những quyết định đầu tư. Khi tăng trưởng kinh tế của nước ta tháng sau luôn tăng cao hơn so với tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt đầu lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng. Họ cũng lạc quan hơn về các chỉ số về mặt thị trường như tốc độ xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ, tiêu dùng trong nước vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng. Doanh nghiệp và các nhà đầu tư tin tưởng nhiều hơn về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của thị trường trong nước và thị trường toàn cầu. Niềm tin của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư được dựa trên những thực tế như vậy và niềm tin này được dự báo là sẽ chuyển hóa thành các quyết định đầu tư mạnh mẽ hơn và tổng đầu tư vào nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam; trong 9 tháng năm 2024, nguồn vốn FDI được cam kết và nguồn vốn FDI được giải ngân cũng tăng mạnh. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt niềm tin ngày một lớn hơn đối với nền kinh tế Việt Nam.
- Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội mới để bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; trong bối cảnh đó, theo ông, cả phía Nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm những gì?
- Trong khi một mặt chúng ta cần nỗ lực để đạt được kịch bản tăng trưởng cao trong năm 2024, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải đặt được nền tảng để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong hai thập kỷ sắp tới; bên cạnh đó cần phải chú trọng hơn nữa tới các mục tiêu về chất lượng tăng trưởng.
Chỉ khi chúng ta duy trì được quỹ đạo tăng trưởng cao, liên tục trong hai thập kỷ tới đồng thời bảo đảm được chất lượng tăng trưởng, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển hiện đại, công nghiệp hóa vào năm 2045 như mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra. Để làm được điều này cần chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới với những động lực tăng trưởng mới. Chúng ta không thể dựa mãi vào mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, vào đầu tư, mà cần dựa vào những yếu tố mới như thị trường trong nước, đầu tư tư nhân, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Điều này đặt ra nhiệm vụ cũng như hàm ý chính sách, hàm ý hành động rất lớn đối với Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như bản thân từng người dân.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, tăng trưởng kinh tế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân cũng thực sự nhanh chóng xác định đây là sẽ là động lực tăng trưởng mới của nước ta để cùng đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và từ đó sẽ có các quyết định đầu tư mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa các động lực tăng trưởng mới này. Nhà nước cũng cần vun đắp cho động lực tăng trưởng mới này thông qua việc ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật tốt hơn nữa, có lợi hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân để giúp họ có niềm tin mạnh mẽ hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tiến hành đầu tư mạnh mẽ hơn. Khi doanh nghiệp lớn mạnh, đất nước tất sẽ hùng cường!
- Xin cảm ơn ông!