Tại Tọa đàm, các chuyên gia nhận định, thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Trong 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Nhận định về thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) Phan Quốc Huỳnh cho rằng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước là làm lành mạnh, minh bạch hóa thị trường chứng khoán. Thời gian qua, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam có những gam màu sáng và tối. Tuy nhiên, thị trường có những gam màu tối là quá trình thanh lọc để bức tranh thị trường chứng khoán hoàn thiện hơn.
Phân tích nguyên nhân chững lại của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng, các chế tài xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh dẫn đến một số doanh nghiệp kinh doanh thiếu lành mạnh, doanh nghiệp và nhà đầu tư mất niềm tin…
Ông Phan Quốc Huỳnh cho rằng, các quy định pháp luật của Việt Nam đã chặt chẽ hơn. Mặt khác, thị trường cũng yêu cầu về sự minh bạch, lành mạnh… Điều này cũng khiến thị trường trầm lắng. Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách về chứng khoán luôn rộng mở, tạo dư địa cho doanh nghiệp phát triển… Đây là những điều kiện tiền đề để thị trường chứng khoán Việt phát triển bền vững hơn.
“Thời gian tới, cùng với những chính sách tiến bộ về tài khoá và các gói kích cầu kinh tế mà Quốc hội đã thông qua sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn và phục hồi, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán…” - ông Phan Quốc Huỳnh nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tại, với nền tảng kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực cùng với chủ trương của Chính phủ về xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch, bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công các mục tiêu đó, doanh nghiệp cần liên tục nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh và cần chuẩn bị kỹ càng về những hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, kiểm toán và yêu cầu của việc niêm yết lên sàn chứng khoán. Song song với đó, cần luôn bám sát diễn biến của thị trường chứng khoán… tận dụng thời cơ bứt phá và có giải pháp nhằm kiến tạo một thị trường chứng khoán phát triển bền vững.
Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam (VNIR) Bùi Đình Như cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay để doanh nghiệp lên sàn giao dịch chứng khoán là gặp vướng mắc trong việc báo cáo tài chính, kiểm toán, thuế...
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Phan Quốc Huỳnh cho biết, những vướng mắc đối với các doanh nghiệp không thuộc về chính sách, quy định mà là do nhận thức của cán bộ, nhân viên đi thực hiện hồ sơ, điều kiện, thủ tục, hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và niêm yết lên sàn giao dịch.
Để khắc phục những khó khăn cho các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cần thường xuyên kết nối, định hướng, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn về vốn, củng cố nội lực cho doanh nghiệp. Những yêu cầu về thủ tục hành chính chỉ là những “yêu cầu cứng” đối với doanh nghiệp. Để có thể lên sàn niêm yết thì doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị kỹ càng về lộ trình phát triển, tái cấu trúc, thu hút vốn đầu tư… nhằm chuyển đổi mô hình cho phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Phan Quốc Huỳnh: hiện nay, việc cải cách các thủ tục hành chính đã dần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hồ sơ. Nhưng để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn trong giai đoạn hiện nay, quan trọng là cần xoá bỏ tâm lý “chim sợ cành cong” của các doanh nghiệp và nâng cao năng lực của doanh nghiệp và cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.