Doanh nghiệp "khát" lao động thời Covid-19

- Thứ Ba, 14/09/2021, 12:13 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, hiện nay số lao động thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Tuy nhiên, tới đây khi dịch được kiểm soát, thị trường lao động sẽ đứng trước khủng hoảng “khát” nguồn nhân lực trầm trọng. Do vậy, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được xem là nhân tố quan trọng tránh rơi vào khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực hậu Covid-19.
Doanh nghiệp vẫn "khát" nhân lực có trình độ cao
Nguồn ITN

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng

“Dù đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 nhưng hiện nay, Công ty chúng tôi đang rất cần tuyển dụng đội ngũ kỹ sư, cử nhân, công nhân lao động có tay nghề trong các lĩnh vực như: Cơ khí, Điện công nghiệp, Hàn xì, Quản trị kinh doanh… làm tại nhà máy sản xuất tại Khu Công nghiệp Phố Nối A – Hưng Yên, với chế độ đãi ngộ tương xứng trình độ tay nghề”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Và Công Nghiệp Mỹ Việt.

Kết quả khảo sát xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 do Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tập đoàn Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam vừa công bố cũng đã đưa ra dự báo, bức tranh tuyển dụng của các doanh nghiệp dự báo sẽ khởi sắc. Theo đó, hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại. Có 40% doanh nghiệp dự kiến tăng tuyển dụng trong vòng 3 tháng tới, hơn 24% doanh nghiệp dự kiến tăng tuyển dụng trong 6 tháng. Theo báo cáo thì triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tập trung ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, bán sỉ, bán lẻ và thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, xây dựng và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp...

“Từ khi đại dịch diễn ra đến nay, thị trường trong nước đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch của các nhà máy sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm đang mở ra cho lao động Việt” - Giám đốc Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam Lê Thị Kim cho biết.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay dù đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tuy nhiên theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động, dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 vẫn cần khoảng 127.000 chỗ làm việc. Còn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc triển khai tiêm chủng vắc xin và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết, sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Lúc này, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 147.000 chỗ làm việc.

Tương tự, theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng tới, thị trường lao động Bình Dương cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt nhu cầu có thể lên đến 60.000 lao động, do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử, xây dựng, cơ khí…

Sau Covid -19 nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động
Nguồn ITN

Theo khảo sát của Navigos có tới 79% các ứng viên cho biết họ sẽ rời khỏi tổ chức hiện tại nếu liên quan đến các yếu tố lương, thưởng và phúc lợi xã hội. Tiếp theo, 73% chọn yếu tố liên quan đến môi trường làm việc và đứng thứ ba là yếu tố liên quan đến cơ hội thăng tiến trong công việc.

Phúc lợi tốt: Giữ chân người lao động 

Rõ ràng, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường lao động chao đảo khi mà số lao động thất nghiệp luôn ở con số tăng chưa từng có. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì tới đây doanh nghiệp sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

Tại Hội nghị "Rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây cũng cho thấy một thực tế, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng qua tổng hợp, rà soát trong 8 tháng đầu năm, số lao động làm việc tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 3.500 lao động so với đầu năm 2021, đời sống của công nhân, người lao động vẫn đảm bảo. Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động vào làm việc, chủ yếu là doanh nghiệp về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng người lao động chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là lao động trở về từ các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội.

Để tránh rơi vào cuộc khủng hoảng khát nguồn nhân lực, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ là không đủ mà rất cần sự vào cuộc từ chính doanh nghiệp. Trong đó, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động lúc này rất quan trọng. Cần ưu tiên thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Khi phúc lợi xã hội được đảm bảo thì việc giữ chân nguồn nhân lực không phải là bài toán khó. Bởi, vai trò của phúc lợi xã hội cũng được đánh giá là nhân tố quan trọng để giữ chân người lao động.

Thái Yến