Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt" do Tạp chí Công Thương vừa tổ chức.
Giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất
Theo ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian qua, Cục Công nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, như: Hỗ trợ áp dụng mô hình về chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh; mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực và tối ưu hoá quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.
"Chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo và hoạt động áp dụng các hệ thống quản lý sản xuất thông minh cho nhà máy, doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ" - ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.
Trong những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp FDI hàng đầu như Samsung, Toyota… hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất và phối hợp để đào tạo ra đội ngũ chuyên gia về tư vấn chuyển đổi số.
Hàng năm, Trung tâm cũng xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; mục đích là giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận, học hỏi, tìm kiếm lẫn nhau hơn và giúp cho các doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau trong việc áp dụng chuyển đổi số và mô hình nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, trong năm 2023, Cục Công nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế công bố công cụ đánh giá về chuyển đổi số. Trong bộ công cụ đó có rất nhiều nội dung, từ đánh giá về con người, văn hóa kinh doanh, tính bảo mật và hướng tới cả tính bền vững. Mục đích của tất cả các chương trình này là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao được năng lực sản xuất. Kết quả là trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, đã đào tạo được 124 chuyên gia về chuyển đổi số.
Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, hợp tác phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Các chương trình hỗ trợ này đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ rõ những thuận lợi trong triển khai công tác chuyển đổi số hiện nay, ông Chu Việt Cường cho biết, các doanh nghiệp được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp. Hàng năm, Bộ Công Thương đều triển khai các chương trình, các kế hoạch theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và được cụ thể hóa ở Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6.8.2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thông qua các chương trình này, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ phía các chuyên gia mà Bộ Công Thương đã đào tạo để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo về quản trị, đào tạo kỹ thuật cho các kỹ thuật viên; hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, mô hình mới như chuyển đổi số hay nhà máy sản xuất thông minh. Với quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng cũng giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với các doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn lớn như Samsung, Toyota, Honda… để học hỏi và hấp thu các kinh nghiệm trong quá trình sản xuất của họ.
Là doanh nghiệp tham gia vào Dự án "Hợp tác phát triển nhà máy thông minh" do Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam hỗ trợ; đến nay, Công ty CP đầu tư AMA Holdings đã triển khai hiệu quả nền tảng số vào các hoạt động sản xuất. Sau 2 năm, doanh nghiệp đã chuyển đổi toàn bộ cơ chế sản xuất sang chuyển đổi số. Từ sản xuất, đầu vào vật liệu, doanh nghiệp đã mã hóa trên hệ thống; đến phần kho, kho nhập liệu rồi sản xuất trên từng máy; các thiết bị trong dàn máy sản xuất đều được mã hóa từ máy đưa vào hệ thống. Đó là những kết quả rất lớn mà doanh nghiệp đã làm được trong quy trình sản xuất.
Cần sự sẵn sàng từ phía doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng chuyển đổi số tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp; hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản, như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...
Để chuyển đổi số thành công, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Cơ hội là các doanh nghiệp sẽ đi tắt, đón đầu, nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phục vụ công tác chuyển đổi số. Còn thách thức là về ý chí của lãnh đạo, về công nghệ và về hạ tầng kỹ thuật, về con người và các mối quan hệ quốc tế. Để có thể nắm bắt được các xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, áp dụng các công nghệ tiên tiến như Big Data, IoT,…
Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cho biết, chuyển đổi số không hề dễ dàng và khó khăn lớn nhất của tất cả các doanh nghiệp, đầu tiên là sự cam kết của Ban lãnh đạo về chiến lược. Nếu như bản thân Ban lãnh đạo chưa có một chiến lược rõ ràng, hoặc chưa quyết tâm với chiến lược đó thì chắc chắn việc chuyển đổi số sẽ khó thành công.
May mắn, thuận lợi với Hanel PT là có được sự đồng thuận từ Ban lãnh đạo và hành động này đến từ ý chí, mong muốn triển khai của Ban lãnh đạo chứ không phải đến từ yếu tố bên ngoài. Đây là một trong những thuận lợi đầu tiên của Hanel PT trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Đại diện Hanel PT nhấn mạnh, ý chí của Ban lãnh đạo chỉ là điều kiện cần và điều kiện đủ là đội ngũ thực thi bên dưới có thể vận hành thuần thục và sử dụng hiệu quả được hệ thống đó. Đội ngũ thực thi cần hiểu rằng, chuyển đổi số và việc vận hành các hệ thống này là nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp.
Về phía Hanel PT, để hướng tới sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần tập trung vào tiêu chuẩn hoá công nghệ hoạt động (OT) và phần công nghệ thông tin (IT). Ở phần OT, Hanel PT đã nâng cao được tỷ lệ vận hành tự động hoá, lên khoảng 60% và mục tiêu sắp tới là phải ứng dụng, đưa các dây chuyền tự động hoá lên 80%...
Đại diện Hanel PT nhấn mạnh, liên quan đến hỗ trợ về tài chính, doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận với các gói tài chính, vay vốn với lãi suất ưu đãi tốt; phải làm sao để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản hoá quy trình, thủ tục xin hỗ trợ. Hay cũng có những nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển R&D, bởi thực chất chuyển đổi số là một hoạt động R&D trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp.
"Để chuyển đổi số được, cần nâng cao chất lượng nhân sự. Doanh nghiệp rất mong, Cục Công nghiệp cũng như Chính phủ sẽ có thêm chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp, giúp cho đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống hiệu quả hơn" - Ông Trần Đức Tùng kiến nghị.