Làn sóng đã rõ
“Đang có sự dịch chuyển các nhà sản xuất lớn đến Việt Nam để mở nhà máy, xây dựng các cơ sở sản xuất”, ông Phil Kyun Choi, chuyên gia tư vấn Hàn Quốc nói trong hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" vừa diễn ra.
Cụ thể, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, với dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTI), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và đồ gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu, cũng đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.
Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, doanh nghiệp phải ở thế chủ động đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. “Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đã rõ, vậy doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng chưa?”.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mới chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất...
Kỳ vọng ở Luật Phát triển công nghiệp
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta là quy mô nhỏ, mối liên kết yếu. “Hầu hết doanh nghiệp thuộc diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên không có tài sản thế chấp. Ngay cả phương án kinh doanh cũng tùy thuộc vào đơn vị đặt hàng, nguồn nhân lực thì yếu. Vì vậy khi đi vay vốn rất khó được các ngân hàng phê duyệt”.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, Chính phủ giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình ưu đãi chênh lệch cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là 5%. Bởi thực tế các doanh nghiệp FDI nếu đi vay để đầu tư sản xuất chỉ phải chịu lãi suất 1 - 3%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đi vay lãi suất phải trả lên đến 8 - 10%. Nếu không cấp bù lãi suất, các doanh nghiệp Việt Nam thua ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có chính sách ưu đãi về thuế nhưng đến nay mới có 140 doanh nghiệp đạt tiêu chí để được hưởng chính sách. Hầu hết các tiêu chí này không khó khăn nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được - ông Phạm Tuấn Anh thừa nhận.
Theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với ngành công nghiệp hỗ trợ không thiếu, tuy nhiên số doanh nghiệp tiếp cận và hưởng thụ chưa nhiều là do có khung pháp lý đi kèm. Kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt của ngành đang được đặt vào Luật Phát triển công nghiệp mà Cục Công nghiệp đang chủ trì soạn thảo.
Nhìn nhận cơ hội để ngành công nghiệp hỗ trợ làm mới mình rất lớn, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, thêm cơ chế thoáng từ cơ quan chức năng và sự liên kết của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, để có giá cạnh tranh, sản phẩm chất lượng, không còn cách nào khác doanh nghiệp tự nâng cấp, đổi mới mình, nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Phil Kyun Choi cho rằng, các cụm công nghiệp chính là giải pháp lý tưởng để cải thiện ba vấn đề đang thiếu như lực lượng lao động, ngành công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng logistics. Trong đó, cần phát triển cụm công nghiệp (industry cluster) tập trung theo địa lý của các công ty, nhà cung cấp và tổ chức được kết nối với nhau trong một lĩnh vực cụ thể, điều này giúp tăng cạnh tranh bằng việc tăng năng suất của các công ty trong cụm, thúc đẩy đổi mới và kích thích các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực cụ thể. Đây cũng là bài học mà Hàn Quốc xây dựng thành công nền công nghiệp hỗ trợ của mình.