Kinh tế

Doanh nghiệp cao su Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp đáp ứng chương trình không gây mất rừng, suy thoái rừng

Quang Phương 14/07/2025 14:51

Hết tháng 4/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 415.000 tấn cao su các loại, tăng hơn 31% so cùng kỳ năm 2024. Các doanh nghiệp cao su thuộc đang triển khai nhiều biện pháp để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của quy định chống phá rừng và chống suy thoái rừng châu Âu (EUDR).

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam dự báo, năm 2025, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt hơn 11 tỷ USD. Trong đó, cao su thiên nhiên đạt khoảng 3,5 tỷ USD; các sản phẩm cao su đạt khoảng 5 tỷ USD và gỗ cao su đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Hiện cao su Việt Nam xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia (Trung Quốc 79,6%, Ấn Độ 5,3%, EU 3,1%, Mỹ 1,7%...).

Bảo đảm tiêu chí “không gây mất rừng, suy thoái rừng”

z6801962154049_d95af6d4d21096f9dc2369f599b29f5c.jpg
Công nhân tại nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cao su Lộc Ninh đang thực hiện một công đoạn trong quá trình chế biến mủ. Ảnh: Quang Phương

Mặc dù, EU không phải thị trường xuất khẩu chính của cao su Việt Nam, nhưng việc đáp ứng yêu cầu khắt khe của quy định chống phá rừng và chống suy thoái rừng châu Âu (EUDR) sẽ giúp Việt Nam khai thác được thị trường nhiều tiềm năng, sức mua cao và còn nhiều dư địa phát triển. Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ rừng PEFC/VFCS (các chứng nhận quản lý rừng bền vững) sẽ có nhiều lợi thế kinh doanh khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Trường Giang – Phó tổng Giám đốc Công ty Cao su Lộc Ninh cho hay, thời gian qua, Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp để đáp ứng quy định EUDR như: Đã hợp tác với Công ty Ecotech 2A xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR. Tháng 3/2025, phần mềm này đã đưa vào sử dụng. Phần mềm trên đã giúp nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, đón đầu các quy định quốc tế, đặc biệt là EUDR. Hiện, đơn vị đang thực hiện nghiên cứu thêm các chứng chỉ bổ sung để nâng cao thương hiệu và phát triển bền vững như: ISO 45001: An toàn lao động, SA 8000: Trách nhiệm xã hội, ISO 14064: Kiểm kê phát thải khí nhà kính (nếu tham gia thị trường carbon).

z6801963982279_38872da986fe22a0df7d87e69c78f7af.jpg
Các công nhân của Công ty Cao su Lộc Ninh đang kiểm tra cây cao su tại một nông trường. Ảnh: Quang Phương

“Đối với toàn bộ diện tích cao su hiện nay thì không có rừng. Đối với các hộ tiểu điền khi đưa sản phẩm về công ty phải chứng minh được nguồn gốc của nguồn cây, được chính quyền xác nhận thì công ty mới sử dụng, chúng tôi không mua sản phẩm có nguồn gốc trôi nổi, hay từ những nơi có nguy cơ phá rừng. Chúng tôi, có cả đội ngũ để đánh giá từng vùng sản phẩm mủ của người dân, từ đó mới quyết định vấn đề mua mủ của người dân nên liên quan đến yếu tố phá rừng, mất rừng thì công ty không xảy ra”, ông Giang khẳng định.

Tương tự, ông Bùi Đình Bảy, Phó tổng Giám đốc Công ty Cao su Bình Long chia sẻ, hiện nay, Công ty đã triển khai xây dựng hệ thống tuân thủ quy định EUDR đối với sản phẩm mủ cao su và gỗ cao su. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, tiến tới xây dựng hệ thống ISO về khí nhà kính.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đang vận hành một thao tác trong công đoạn đốt lò bằng phương pháp sử dụng các phế phẩm gỗ. Ảnh: Quang Phương
Công nhân Công ty Cao su Phú Riềng đang vận hành một thao tác trong công đoạn đốt lò bằng phương pháp sử dụng các phế phẩm gỗ. Ảnh: Quang Phương

Còn đại diện Công ty Cao su Phú Riềng, cho biết từ năm 2024, Công ty tiếp tục được duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn Quốc gia và Quốc tế cho hơn 17.300ha cao su. Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC-CoC cho 2 nhà máy chế biến mủ cao su. Tháng 5 vừa qua, Công ty chính thức tiến hành công bố sản phẩm cao su phù hợp với quy định EUDR và đang thực hiện bán sản phẩm cao su thích ứng quy định EUDR cho một số khách hàng châu Âu.

“Xanh hóa” chuỗi giá trị sản phẩm cao su

z6796303414543_0a29812bfec6a1104537435a46a65e1b.jpg
Công nhân Công ty Cao su Phước Hòa sử dụng phân bón tái chế từ bùn thải để bón lại cho vườn cao su. Ảnh: Quang Phương

Hiện tại các doanh nghiệp cao su đã và đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Để thực hiện điều này, đại diện Công ty Phú Riềng cho hay: 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng khai thác được 7.286 tấn đạt 33,4% kế hoạch, nằm trong tốp đầu của Tập đoàn. Dự kiến cả năm khai thác được trên 24.000 tấn, vượt trên 10% kế hoạch. Năng suất vườn cây đạt trên 2,2 tấn/ha, duy trì 20 năm liên tiếp trong câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn.

Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Công ty sẽ tiếp tục duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho hơn 17.300ha cao su và Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm tại 2 nhà máy chế biến mủ cao su. Bên cạnh đó sẽ triển khai thực hiện 331,69ha cao su chuyển sang trồng chuối cấy mô ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Công ty Cao su Bình Long sử dụng bùn thải sau xử lý làm thức ăn cho trùn Quế để tạo phân dùng để bón ngược lại cho cây cao su. Ảnh: Quang Phương
Công ty Cao su Bình Long sử dụng bùn thải sau xử lý làm thức ăn cho trùn Quế để tạo phân dùng để bón ngược lại cho cây cao su. Ảnh: Quang Phương

Tương tự, ông Bùi Đình Bảy (Công ty Cao su Bình Long) cho hay, trong thời gian tới, Công ty tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đẩy mạnh mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc liên kết, liên doanh, hợp tác đầu tư với các đối tác có năng lực…

Còn ông Trần Hoàng Giang, Phó tổng Giám đốc điều hành Công ty Cao Su Phước Hòa, thông tin để tiếp tục phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai, công ty quyết tâm chuyển đổi sang mảng khu, cụm công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo để phát triển công ty theo định hướng phát triển của ngành cao su mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt. Bên cạnh đó, duy trì tốt các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, thực hiện tốt việc quản lý rừng bền vững theo hệ thống quản lý rừng quốc gia VFCs/PEFC và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC tại 3 nhà máy chế biến mủ cao su; nghiên cứu để triển khai thực hiện hệ thống thẩm tra phù hợp nhằm đáp ứng các quy định của EUDR…

z6801988068502_0e4345c59024af395e3182fef0f694fa.jpg
"Bữa cơm công đoàn" là nét đẹp của các doanh nghiệp cao su và được duy trì đều đặn trong nhiều năm qua. Trong ảnh là "bữa cơm công đoàn" giữa rừng cao su tại một nông trường cao su của Công ty Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Quang Phương

Cũng theo đại diện Công ty Phước Hòa, trong lĩnh vực nông nghiệp: Công ty sẽ bảo đảm phát triển bền vững trên cả ba phương diện: kinh tế, môi trường và xã hội theo kế hoạch và chương trình hành động theo định hướng tăng trưởng xanh. Công ty thực hiện tái thiết vườn cây một cách đồng bộ từ khâu xây dựng vườn ươm, vườn nhân giống nhằm chủ động nguồn cây giống đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng từ khi trồng, chăm sóc đến khai thác mủ… Mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% diện tích cao su được chứng nhận quản lý rừng bền vững.

Theo đại diện các doanh nghiệp cao su cho biết, để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh – phát triển bền vững, các doanh nghiệp còn đang triển khai nhiều chương trình khác như: giảm thiểu sử dụng điện lưới bằng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà; xử lý nước thải để tái sử dụng…

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp cao su cũng đang triển khai nhiều biện pháp để đóng góp vào mục tiêu NetZero quốc gia. Ông Nguyễn Trường Giang – Phó tổng Giám đốc Công ty Cao su Lộc Ninh, chia sẻ: thị trường ngày càng ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc bền vững, minh bạch và gắn với trách nhiệm môi trường, xã hội. “Do đó, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và nâng cao giá trị sản phẩm cao su thông qua thương hiệu VRG là định hướng chiến lược cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, củng cố uy tín doanh nghiệp, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam. Tối ưu hóa giá trị môi trường từ mô hình trồng rừng cao su; tạo nguồn thu bổ sung thông qua giao dịch tín chỉ carbon; thể hiện trách nhiệm môi trường và đóng góp vào mục tiêu Netzero quốc gia”, ông Giang nói.

Liên quan đến tín chỉ Carbon, đại diện Công ty Cao su Phú Riềng chia sẻ, Công ty đang trong giai đoạn nghiên cứu để thực hiện. Trước mắt là chuẩn bị thực hiện thống kê trên các lĩnh vực SXKD của Công ty: tái canh vườn cây cao su, giai đoạn chăm sóc cây cao su, giai đoạn khai thác mủ cao su, giai đoạn chế biến mủ cao su.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp cao su Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp đáp ứng chương trình không gây mất rừng, suy thoái rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO