Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5.6) và Tháng hành động vì môi trường, là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5.8.2002 – 5.8.2022).
Phát biểu chào mừng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là yếu tố tiên phong. Với chức năng của mình, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mong muốn thông qua diễn đàn, góp phần truyền thông chính sách nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải. Đồng thời, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần; sống thân thiện với môi trường và có sáng kiến áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì cuộc sống xanh cho cộng đồng xã hội. Đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số…
Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Đào Xuân Hưng nhấn mạnh: Thông điệp của Diễn đàn môi trường năm 2022 là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội. Cùng với đó, hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa lợi của doanh nghiệp và môi trường sống của Nhân dân.
Có thể thấy, việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, trong năm 2021, 47/63 tỉnh thành có tỷ lệ CTRSH được thu gom tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình 96,28%, vượt chỉ tiêu đề ra; tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66%. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo định hướng mới… Trên thực tế, việc quản lý và xử lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; trong đó, đơn cử như: Lượng CTR, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, tính chất nguy hại tăng trong khi đó công tác cập nhật thường xuyên các số liệu về tình hình phát sinh, tính chất, thành phần, loại chất thải phải xử lý chưa thường xuyên và đầy đủ chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất, từ Trung ương đến địa phương và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý chất thải; chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến nhưng chỉ có khoảng 20% các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Còn nhiều các lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu về môi trường...
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng: Quản lý CTRSH là một trong những nội dung quan trọng được quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải, đồng thời cần có các chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý chất thải để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật về bảo môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng. Cụ thể: Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTNH phải đáp ứng các yêu cầu như bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định; công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ…
Theo các đại biểu, tại Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rất rõ yêu cầu về xử lý CTRSH. Yêu cầu về công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm tính tiên tiến, thỏa mãn các yêu cầu về kĩ thuật công nghệ, về hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Hoạt động khoa học và công nghệ trong BVMT giữ một vị trí quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác BVMT, trong đó có công nghệ xử lý CTRSH.
Trong những năm vừa qua, các hoạt động khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện hay lựa chọn các công nghệ khuyến khích áp dụng phù hợp các điều kiện Việt Nam đã được triển khai, song còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặc biệt khi luật BVMT 2020 đã có hiệu lực thi hành. Các giải pháp công nghệ tiên tiến (CNTT) trong xử lý CTRSH còn chậm được áp dụng vào thực tế. Để có thể phát triển công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của thế giới, cần đẩy mạnh hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ một cách hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý CTRSH; rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý CTRSH đang hoạt động một cách hiệu quả là trách nhiệm của các nhà khoa học, kỹ sư tâm huyết với công nghệ môi trường góp phần vào phát triển bền vững đất nước…