Hàng hóa xuất khẩu đối diện 263 vụ việc điều tra
Tại chương trình Đối thoại và chính sách chủ đề “Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, duy trì dòng chảy xuất khẩu hàng hóa bền vững", do Báo Công Thương tổ chức sáng 1.11, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Chu Thắng Trung cho biết, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng gần như hàng ngày.
Tính đến hết tháng 9.2024, có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan hàng hóa xuất khẩu của nước ta, trong đó hơn một nửa là điều tra chống bán phá giá, tiếp đến là điều tra về tự vệ, về trợ cấp cũng như về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các cuộc điều tra này liên quan nhiều nhóm ngành khác nhau như mặt hàng kim loại (sản phẩm thép, nhôm, đồng), hóa chất, chất dẻo, nông lâm sản, một số sản phẩm gỗ… Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như sản phẩm tủ gỗ và bàn trang điểm có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD/năm…
Trên thực tế, Hoa Kỳ là thị trường áp dụng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lý giải điều này, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, với mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ rất lớn. Chỉ tính 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 94 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là 88 tỷ USD. Đây chính là lý do để các nhà xuất khẩu, các ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ luôn theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, hiện Việt Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường nên các nhà sản xuất, hiệp hội ngành hàng của nước này luôn coi Việt Nam là đối tượng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại…
Việc phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đã gây ra những tác động tiêu cực tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để tham gia các vụ việc, vụ kiện, chi phí thuê tư vấn nước ngoài có thể lên tới cả triệu USD; mức thuế với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao làm giảm sức cạnh tranh; doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có xu hướng đề phòng và chuyển hướng nhập khẩu sang đối tác khác…
Lưu trữ có hệ thống hồ sơ, chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ
Đáng chú ý, theo ông Chu Thắng Trung, thời gian gần đây, số vụ điều tra về chống lẩn tránh phòng vệ thương mại có sự gia tăng. Trước đây, các vụ việc điều tra lẩn tránh tập trung nhiều vào vấn đề mang tính chất gian lận, không khai báo đúng xuất xứ hoặc chuyển tải hàng hóa từ nước thứ 3 qua Việt Nam rồi xuất khẩu đi. Thông thường, hành vi này chỉ do một hoặc một vài doanh nghiệp gây ra và khi bị phát hiện thì doanh nghiệp đó sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan điều tra của nước ngoài không còn giới hạn ở vụ việc đó nữa, mà tập trung cho câu hỏi “liệu hàng hóa sản xuất có tạo ra được nhiều giá trị gia tăng tại thị trường Việt Nam, hay chỉ thực hiện một số công đoạn sản xuất mà không tạo ra nhiều giá trị gia tăng tại Việt Nam?”. Nói cách khác, cơ quan điều tra của nước ngoài không chỉ tập trung vào hành vi gian lận, mà còn ngăn chặn sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất từ một nước đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sang nước khác. Như vậy, phạm vi tác động của một biện pháp chống lẩn tránh nếu bị áp dụng sẽ lớn hơn rất nhiều, không chỉ một vài doanh nghiệp mà có thể là cả một ngành hàng.
Ông Trung cho biết, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống lẩn tránh, sẽ tác động tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chẳng hạn bị áp mức thuế cao sẽ không thể duy trì kết quả xuất khẩu như trước. Dù vậy, sự chuyển hướng trong điều tra về lẩn tránh phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng có tác động tích cực nhất định. Cụ thể, điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm; cơ cấu lại chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nhằm tránh rủi ro khi liên quan tới doanh nghiệp đến từ các quốc gia đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng sẽ phải tiếp tục cải thiện năng lực quản trị, theo dõi hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là trong truy xuất nguồn gốc.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý, các doanh nghiệp phải trong tâm thế có thể bị kiện phòng vệ thương mại bất kỳ thời điểm nào, vì doanh nghiệp nước này tận dụng hiệu quả và tần suất ngày càng cao với công cụ này, trong nhiều trường hợp chính cơ quan điều tra của Hoa Kỳ sẽ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại.
Để ứng phó hiệu quả, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tăng cường quan hệ với đối tác nhập khẩu, các chuỗi phân phối, các hiệp hội ngành hàng của Hoa Kỳ có quan hệ gắn bó lợi ích với doanh nghiệp Việt Nam, để chủ động nắm bắt thông tin từ sớm, từ xa, qua đó cung cấp thêm thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Cơ quan thương vụ.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu những công cụ phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ cũng như quy trình triển khai, thông qua hội thảo do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tổ chức. Các doanh nghiệp phải luôn chuẩn bị nguồn lực phù hợp để xử lý khi vụ việc xảy ra, trong đó có việc lưu trữ một cách hệ thống hồ sơ, tài liệu, chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào nhập khẩu để phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, xem xét để nhập khẩu, sản xuất nguyên liệu đầu vào từ thị trường Hoa Kỳ, tránh nguồn nguyên liệu đầu vào từ các thị trường mà Hoa Kỳ đang để ý và coi là đối tượng để áp biện pháp phòng vệ thương mại.
Khi xảy ra vụ việc điều tra, các doanh nghiệp cần tích cực hợp tác với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, kể cả các đoàn được cử sang Việt Nam để điều tra, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề xuất.