Doanh nghiệp cần hỗ trợ để phát triển thủy điện nhỏ

14/07/2012 08:33

Diễn đàn Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12.7 tại Hà Nội. Các doanh nghiệp đầu tư thủy điện nhỏ cho biết, họ đang phải đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng: giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN) thấp còn lãi suất cho vay của ngân hàng thì cao.

Giá bán thấp, lãi suất cao

Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII), đặt ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ. Số liệu thống kê 3 năm qua cho thấy, thủy điện vừa và nhỏ giữ vai trò đáng kể trong nguồn điện. Năm 2009, điện năng sản xuất từ các nguồn thủy điện chiếm 34,4% tổng điện năng sản xuất của toàn hệ thống, năm 2010 là 27,5%, năm 2011 là 38%.

Tính đến nay, cả nước có hơn 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 4.067 MW đăng ký đầu tư nhưng số dự án hoàn thành phát điện chưa nhiều và thường chậm so với kế hoạch đăng ký. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là: giá bán điện thấp và lãi suất vay vốn quá cao. Thời gian qua, các chủ đầu tư thủy điện nhỏ không có lãi vì với mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và phần lớn dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện bán giá trung bình khoảng 650 đồng/kWh từ năm 2006 – 2008, đến nay giá cũng vẫn vậy mặc dù giá điện EVN bán đến người tiêu dùng đã tăng lên rất nhiều, mức tăng bình quân 14%/năm.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ để phát triển thủy điện nhỏ ảnh 1
Nguồn: xahoi.com.vn

Thực ra, giá bán điện của các nhà máy thủy điện đã tăng lên sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18.7.2008 về bán điện theo biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ, ông Ngãi nói. Theo đó, giá bán vào giờ cao điểm mùa khô ở mức rất cao, năm 2012 là 2.424 đ/kWh, mức giá chi phí tránh được trung bình theo tính toán cũng đạt tới 954,52 đ/kWh. Tuy nhiên, thực tế không nhà máy nào đạt giá chi phí tránh được trung bình trên do chênh lệch giá bán giữa giờ cao điểm với giờ thấp điểm và giờ bình thường, giữa giá mùa khô – mùa mưa. Giá bán điện mùa mưa năm 2012 chỉ khoảng 550 đ/kWh, trong khi sản lượng điện mùa mưa của các nhà máy khoảng 65 - 70% sản lượng điện trung bình năm. Chính vì thế biểu giá này làm chênh lệch giữa cung và cầu điện. Các nhà máy thủy điện thì tập trung phát vào giờ cao điểm để được giá cao, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ điện lại chuyển qua sản xuất vào ban đêm để tránh giờ cao điểm.

Thêm vào đó là việc hợp đồng mua bán điện của EVN với Trung Quốc có quy định trường hợp điện bị phát ngược sang Trung Quốc quá 5% công suất ký mua thì EVN còn bị phạt ngược. Thực tế năm 2011 vừa qua, một số điều độ điện lực địa phương (Hà Giang, Lào Cai) phải yêu cầu các nhà máy cắt, giảm phát vào giờ cao điểm gây nên bức xúc lớn cho doanh nghiệp. Trong thời điểm khó khăn này nếu giờ cao điểm bị cắt, giảm phát thì quả thật không công bằng và rất khó khăn cho các nhà máy thủy điện.

Đại diện Tập đoàn Hưng Hải than thêm: các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ còn đang điêu đứng vì lãi suất vốn vay quá cao. Theo tính toán hiện tại, suất đầu tư cho nhà máy thủy điện khoảng 30 tỷ đồng/mw, nếu doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 20% mỗi năm, thì doanh thu bán điện của hầu hết các nhà máy chỉ đủ chi trả phần lãi vay cho ngân hàng.

3 năm qua vác hồ sơ đi vay vốn ngân hàng đều bị từ chối, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ Hà Sỹ Dinh, chủ đầu tư dự án thủy điện Mường Hum (32MW) cho biết. Theo ông Dinh, mức đầu tư cho một dự án dưới 30MW cũng xấp xỉ gần 1.000 tỷ đồng và phải có 30% vốn đối ứng cộng với tài sản thế chấp ngân hàng mới cho vay. “Đây là yêu cầu khá lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cơn khó hiện nay”, ông Dinh nói và đặt câu hỏi: “Xin hỏi mấy ông chủ dự án thủy điện ở đây mấy năm qua có bao nhiêu nhà máy đi vào hoạt động và làm ăn có lãi? Bao nhiêu năm nữa các vị mới có thể hoàn được vốn”.

Đề nghị EVN tăng giá mua điện

Quy hoạch điện VII đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng của thủy điện nhỏ phải đạt 11 tỷ kWh. Ông Hà Sỹ Dinh lo ngại: trong tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp có còn đủ sức để tiếp tục tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện nữa hay không?

Để giải quyết những khó khăn trên, hầu hết các kiến nghị tại Diễn đàn đều tập trung vào việc EVN phải tăng giá mua điện của các doanh nghiệp thủy điện. Đại diện Tập đoàn Hưng Hải đề nghị EVN tăng giá mua điện cho các doanh nghiệp lên bằng 80% giá bán điện thương phẩm bình quân và được điều chỉnh hàng năm theo giá do Bộ Công thương ban hành.

PGS.TS Đàm Xuân Hiệp cũng cho rằng, giải pháp đầu tiên là EVN phải tăng giá mua điện từ các nhà máy thủy điện. “Việc đói vốn, hay phát triển nhọc nhằn của ngành điện do giá điện ở nước ta còn thấp. Do vậy việc tăng giá điện dường như là biện pháp duy nhất hợp lý trong bối cảnh không đủ vốn”, ông Hiệp nói. Giải pháp tiếp đó, theo ông, là tái cấu trúc và cải tổ ngành điện; đồng thời cải tạo lại biểu giá (hay cấu trúc lại biểu giá) và định giá theo đúng thời gian sử dụng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc cải tổ ngành điện phải làm từng bước và có lộ trình.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi kiến nghị cho các doanh nghiệp thủy điện nhỏ và vừa tham gia vào thị trường điện cạnh tranh. “Trong trường hợp không thực hiện được thì cũng giao cho 5 Tổng công ty Điện lực mua điện của các nhà máy thủy điện”. Thêm vào đó, tăng lượng giờ mua điện của các doanh nghiệp thủy điện nhỏ bằng với giá của các công ty mua bán điện quốc gia mua, để bù đắp được chi phí khấu hao dự án và tích lũy được lợi nhuận. Với những dự án thủy điện vừa và nhỏ đang đầu tư, ông Ngãi đề nghị Chính phủ cho vay vốn nằm trong nhóm các doanh nghiệp được ưu đãi.

 Trong những năm qua, nước ta đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành gần 30 công trình thủy điện lớn trên 1.000 MW và trên 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất tất cả thủy điện gần 10.000 MW, với tổng điện lượng trên 40 tỷ kWh. Như vậy, ta đã khai thác khoảng 40 - 50% trữ năng kinh tế. Riêng sản lượng điện năm 2011 phát ra từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đạt mức 7,845 tỷ kWh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thủy điện, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống và đạt khoảng 45% trữ năng kinh tế của thủy điện vừa và nhỏ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp cần hỗ trợ để phát triển thủy điện nhỏ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO