Doanh nghiệp - trung tâm mọi quyết đáp của Quốc hội

- Thứ Ba, 12/10/2021, 07:43 - Chia sẻ

Không khó để nhận thấy, Quốc hội Khóa XV và lãnh đạo Quốc hội Khóa XV, trong mọi hoạt động và quyết đáp, luôn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Quốc hội Khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ của mình khi đất nước đang bước vào bước ngoặt của một thời kỳ mới: Giai đoạn ứng phó và phục hồi nền kinh tế - xã hội hậu Covid-19, chuyển đổi số toàn diện và Việt Nam cần đảm nhiệm trọng trách lớn trên trường khu vực cũng như quốc tế. Đó là một chặng đường trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng. Tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình đó và hơn ai hết, Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội thấu hiểu điều này.

Nói vậy bởi nếu quan sát nghị trường sẽ thấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, chính xác là 6 tháng, Quốc hội Khóa XV, trong từng hoạt động và từng quyết đáp, đã cho thấy doanh nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm.

Rất nhiều chính sách hỗ trợ, giảm thuế phí, “trị giá” 140 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua với tinh thần “cứu doanh nghiệp như cứu hỏa”, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng chứ không phải tràn lan, dàn trải.

Đặc biệt, như chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri Hải Phòng vài ngày trước, Quốc hội bây giờ không có chuyện “bắc nước chờ gạo người” mà chủ động vào cuộc, chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Chẳng hạn, những doanh nghiệp thoi thóp vì suy kiệt dòng tiền sau gần 2 năm bị dịch Covid-19 tấn công đang đứng trước cơ hội hồi sinh nhờ quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm. Khi thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xem xét khả năng  triển khai giải pháp cấp bù lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Hội nghị Trung ương 4 vừa qua cũng đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ với liều lượng hợp lý để phục hồi kinh tế và vấn đề này sẽ được cụ thể hóa ngay tại Kỳ họp tới đây của Quốc hội.

Nghị quyết 30/2021/QH15, chính sách chưa từng có tiền lệ ra đời trong khoảng thời gian thần tốc là minh chứng rõ nét khác. Việc trao cho Chính phủ “thượng phương bảo kiếm” để chống dịch không chỉ thể hiện sự chung sức, đồng lòng của Quốc hội với Chính phủ mà còn cho thấy Quốc hội đã nắm bắt trọn vẹn, phản ứng nhanh nhạy trước mọi diễn biến của đời sống, của đất nước, của người dân - trong đó có giới doanh nghiệp, doanh nhân. Trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội hôm 7.10 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp trân trọng và đánh giá cao việc Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc biệt để ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Không chỉ lo chuyện ngắn hạn, lãnh đạo Quốc hội còn đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh: “Ổn định kinh tế vĩ mô phải là mục tiêu hàng đầu và yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế không được lơ là và từng bộ, ngành đều phải chịu trách nhiệm. Có thể nói, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những động lực quan trọng và là nội lực của Việt Nam. Và càng trong bối cảnh bất định, càng phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tăng sức chống chịu cho nền kinh tế và khi dịch qua đi, chúng ta mới có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Những chính sách vĩ mô lớn để “vực dậy” nền kinh tế sẽ thuộc về thẩm quyền quyết định của Quốc hội và do đó đòi hỏi Quốc hội cần sớm nghiên cứu, thảo luận trực tiếp trong Kỳ họp tới đây. Trong thời gian qua, các ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia đã khuyến nghị các gói chính sách kích thích kinh tế khác nhau. Có thể kể đến nhóm chính sách mở rộng đầu tư công; nhóm chính sách về ưu đãi, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp; nhóm chính sách về hỗ trợ lãi suất… Mỗi nhóm giải pháp sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau, hiệu quả của từng gói cũng cần được đánh giá cụ thể; và đương nhiên còn cân đối đến “sức khỏe” nền tài chính quốc gia.

Trong đó, gói đầu tư công có thể triển khai đầu tư cho các hạ tầng quan trọng gồm công trình giao thông; năng lượng; hay hạ tầng kết nối số quốc gia (hỗ trợ internet băng rộng tốc độ cao; mạng viễn thông 5G; hạ tầng điện toán đám mây và dữ liệu số…). Ưu điểm của gói chính sách này là có thể triển khai nhanh và chủ động, tạo được nền tảng dài hạn cho phát triển kinh tế. Về ngắn hạn, việc “bơm tiền” qua đầu tư cũng có thể tạo ra tăng trưởng GDP nhanh. Tuy nhiên, trên cùng một mức độ quy mô đầu tư, mức độ lan tỏa và diện ảnh hưởng của đầu tư công không thể đạt hiệu quả như hai gói giải pháp còn lại.

Việc hỗ trợ thuế, phí có thể thực hiện với số lượng lớn doanh nghiệp, giảm khó khăn trực tiếp về dòng tiền (thông qua giảm nghĩa vụ tài chính). Qua đó, có thể giúp doanh nghiệp giảm sốc, giảm rủi ro phá sản trong ngắn hạn. Tương tự như vậy, gói cấp bù lãi suất mà người đứng đầu Quốc hội từng đề xuất cũng mang ý nghĩa tương tự - đạt hiệu quả trực tiếp cho cân đối dòng tiền và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Thông qua các gói giảm thuế phí theo ngành, số lượng các doanh nghiệp được tiếp cận hỗ trợ chắc chắn sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, gói này cũng có nhược điểm là không tạo ra được kích thích tăng trưởng GDP ngay lập tức trong ngắn hạn như giải ngân đầu tư công.

Tuy vậy, dù sử dụng biện pháp kích thích kinh tế như thế nào đi chăng nữa, đầu tư công hay giảm thuế; bù lãi suất đều ảnh hưởng đến ngân sách, đến trần nợ công. Vì vậy, các gói trên vượt ra khỏi thẩm quyền quyết định của Chính phủ và chỉ Quốc hội mới quyết định được. Trách nhiệm của Quốc hội nói chung, từng đại biểu nói riêng là rất lớn, rất quan trọng cho chặng đường phục hồi kinh tế còn nhiều khó khăn sắp đến. Và những quyết sách, quyết đáp của Quốc hội trong thời gian rất ngắn vừa qua càng vun đắp niềm tin lớn lao vào Quốc hội nhiệm kỳ này. Quốc hội sẽ cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch, sớm hồi phục nền kinh tế.

Hà Lan