Đoạn trường vinh hoa
Cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn, bất chấp tất cả những đớn đau mất mát của đời người. Đó là lúc mà: "Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”...
1. Trước khi xem bộ phim tài liệu "Đoạn trường vinh hoa", tôi biết tin nghệ sĩ Ánh Hoa vừa qua đời. Dù đã biết bà qua nhiều vai diễn điện ảnh, truyền hình, tôi vẫn không khỏi bất ngờ và ngậm ngùi trước số phận nhiều buồn tủi và sự ra đi lặng lẽ, cô đơn của bà.
Ánh Hoa đóng nhiều phim, nhưng tôi chỉ nhớ bà trong hai bộ phim có hơi hướng hương xa, hoài cổ của hai đạo diễn Việt kiều là "Mùi đu đủ xanh" (1994) của đạo diễn Trần Anh Hùng và "Mùa len trâu" (2003) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
Trong "Mùi đu đủ xanh", bà đóng vai một người giúp việc già cho một gia đình trung lưu ở Sài Gòn trước 1954. Dáng điệu tần tảo của bà, giọng nói đặc sệt miền quê... qua giọng thoại của Ánh Hoa vang lên, chân chất, dung dị và đầy tin cậy.
Trong "Mùa len trâu" sau đó gần một thập niên, Ánh Hoa tiếp tục đóng một vai phụ đáng nhớ khác. Có lẽ hiếm diễn viên phụ nào diễn ra được cái chất bộc trực, tấm lòng bao dung của một người phụ nữ miền Tây sông nước như bà.
Hai vai diễn trong hai bộ phim nói trên đều là vai phụ, vai nhỏ, nhưng đó là hai vai diễn mà tôi không bao giờ quên của bà.
Mãi tới khi bà mất, đọc báo, tôi mới biết được cuộc đời bà lại chịu nhiều đau khổ và mất mát đến vậy. Sinh ra trong một gia đình truyền thống, diễn cải lương từ bé, lấy chồng nghệ sĩ rồi tiếp tục theo chồng làm nghề, bà phải mưu sinh với nghề bán cơm tấm để chăm lo gia đình, bên cạnh đóng hàng chục vở kịch, phim truyền hình, phim điện ảnh lớn nhỏ - hầu hết đều với các vai phụ, vai nhỏ - những người phụ nữ nghèo, cơ cực phải đi ở đợ, phải sống trong chòi rách giữa mùa lũ như trong "Mùi đu đủ xanh", trong "Mùa len trâu".
Rồi chồng chết, bốn đứa con lần lượt qua đời vì bệnh tim - những nỗi đau chồng chất đó bà phải lần lượt nếm trải trong đau đớn. Đó là những mất mát quá lớn đối với một người phụ nữ nhỏ bé như bà.
Và cho đến những ngày cuối đời, bà vẫn phải sống nhà thuê, bị đột quỵ và ra đi không ai biết.
2. Trong "Đoạn trường vinh hoa", đạo diễn trẻ Lê Mỹ Cường cũng dẫn dắt người xem bước vào một chuyến hành trình cảm xúc buồn vui như thế của một gánh hát cải lương miền Tây. Họ phải rong ruổi đi diễn khắp các đình làng, miếu cổ để duy trì nghề hát, để nuôi sống niềm đam mê giữa mưu sinh cơ cực.
Tôi không thấy vinh hoa, tôi chỉ thấy nỗi đoạn trường.
Trong phim cũng có một cô đào hát trẻ qua đời vì bạo bệnh trước sự chứng kiến của mẹ cô và chồng cô. Nỗi mất mát đó, có lẽ chỉ có ai ở trong cuộc mới thấm hết nỗi đau của họ.
Chi tiết đắt giá nhất của bộ phim với tôi có lẽ là hình ảnh cuối cùng của bộ phim, với một góc máy từ trên cao, ghi lại cảnh chiếc ghe chạy về phía trước và chiếc xe máy chạy ngược chiều trên một con đường bên khúc sông hẹp ở một miền quê nghèo đâu đó tại miền Tây.
Cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn như thế, bất chấp tất cả những đớn đau mất mát của đời người. Đó là lúc mà: "Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”...