Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh; đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á.
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, Đà Nẵng hỗ trợ cho 27 lượt doanh nghiệp, trong đó, hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 3,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 8 lượt doanh nghiệp, Viện triển khai chương trình ươm tạo. Bình quân mỗi vườn ươm đã thực hiện ươm tạo, tăng tốc cho 6 - 8 dự án/năm.
Trong đó, gần 70% các dự án, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Các hoạt động hỗ trợ kịp thời, thiết thực, tác động trực tiếp, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp do thanh niên làm chủ từng bước thương mại hóa sản phẩm, định hướng và phát triển thị trường.
Phát biểu tại phiên khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Đà Nẵng cho biết số doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố? Việc hỗ trợ trực tiếp kinh phí đã đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp?
Trao đổi vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết, hiện nay thành phố đang hỗ trợ trực tiếp cũng như gián tiếp qua vườn ươm 172 dự án và thành lập được trên 100 doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua khảo sát hằng năm cho thấy, tỷ lệ tồn tại, "sống" của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố đạt gần 70%.
Đà Nẵng cũng có nhiều hoạt động để khơi dậy, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 3 Trung tâm hỗ trợ; 9 vườn ươm; 3 không gian sáng chế; 8 không gian làm việc chung; 6 quỹ đầu tư khởi nghiệp; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng.
Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Lê Công Hùng thông tin thêm, thời gian qua, các cấp bộ đoàn tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ khởi nghiệp, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong lập thân, lập nghiệp, cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thành phố theo định hướng quốc gia; tập trung nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ.
Thành đoàn cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ lồng ghép các chương trình, các buổi tư vấn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Đồng thời, khuyến khích thành lập trung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường học, câu lạc bộ khởi nghiệp, từ đó giúp các bạn trẻ có kiến thức, niềm đam mê, sự hỗ trợ để khởi nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, từ thực tiễn phát triển của địa phương, những năm trước đây hầu như sinh viên tốt nghiệp ra trường chọn đến thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, khởi nghiệp. Vì vậy khó khăn của thành phố là làm sao giữ chân thanh niên ở lại làm việc trên quê hương.
Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng, trong đó có nội dung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, của quốc gia, Đà Nẵng luôn cố gắng, nỗ lực, ban hành nhiều văn bản để đạt mục tiêu.
Tuy nhiên qua quá trình triển khai cho thấy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn đang theo hướng phong trào, chưa có sự quan tâm cụ thể, thiếu hụt cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để thúc đẩy thực hiện. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho rằng, cần sớm có giải pháp phù hợp để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, Đoàn khảo sát đã đi thực tế tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Công nghệ Tekup. Tại các doanh nghiệp này, Đoàn khảo sát cũng đã ghi nhận những kết quả đạt được trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Đồng thời, lắng nghe, ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc, tồn tại trong hoạt động khởi nghiệp hiện nay, đó là: thiếu vốn, thiếu cơ chế để tạo việc làm cho người lao động, thiếu các dự án lớn để có thể hợp tác, gia công…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng; thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị thành phố cần tổ chức sơ kết hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường kết nối các doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn lực, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hy vọng thời gian tới, Đà Nẵng sẽ là miền đất hứa, là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ của khu vực miền Trung – Tây Nguyên mà còn trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia.