Tính đến giữa năm học 2023 - 2024, Điện Biên có 482 trường, trung tâm, trong đó 168 trường mầm non, 296 trường phổ thông, 17 trung tâm, 1 trường cao đẳng, với 7.396 lớp và 208.066 học sinh, học viên, sinh viên; học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 85,69%.
Cụ thể, mầm non 168 trường, 2.453 nhóm/lớp và 56.234 trẻ, tỷ lệ bình quân trẻ/lớp là 22,92. Tiểu học 140 trường, 2.867 lớp và 75.975 học sinh, tỷ lệ bình quân trẻ/lớp là 26,49. THCS 123 trường, 1.472 lớp và 52.898 học sinh, tỷ lệ bình quân trẻ/lớp là 35,93. THPT 33 trường, 538 lớp và 20.866 học sinh, tỷ lệ bình quân trẻ/lớp là 38,78. Có 1 trung tâm GDTX tỉnh và 9 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, 37 lớp, 1.384 học viên…
Đặc biệt, Điện Biên đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2014. Năm 2023, 10/10 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Mặc dù giáo dục Điện Biên có thuận lợi là thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh, song Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt cũng chỉ ra một loạt khó khăn. Đó là điều kiện địa lý, khí hậu của tỉnh phức tạp; giao thông đi lại khó khăn, nhất là địa bàn các xã vùng cao, biên giới; dân cư sống phân tán, xa trung tâm xã, xa trường học.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cao, trình độ dân trí không đồng đều; một số nơi vẫn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn, mê tín dị đoan… cùng với diễn biến phức tạp của tuyên truyền đạo trái pháp luật, ảnh hưởng đến việc huy động trẻ đi học và tỷ lệ đi học chuyên cần, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Một bộ phận người dân vùng cao đời sống còn khó khăn, đi làm ăn ở các tỉnh khác, chưa quan tâm tới việc học của con em, dẫn đến khó huy động kinh phí đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non của các nhà trường.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ở một số trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ phòng học tạm tuy đã giảm song vẫn còn, nhất là ở các điểm trường lẻ vùng đặc biệt khó khăn.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu, ảnh hưởng đến việc huy động trẻ đến trường và chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Nhiều cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo thống kê, lương và phụ cấp ưu đãi nghề chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực thuận lợi...
Để bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến lớp cũng như tỷ lệ chuyên cần, thu hút giáo viên giỏi công tác tại vùng khó khăn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên kiến nghị bổ sung biên chế, đặc biệt là phân bổ nguồn bổ sung giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2022 - 2026 cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong đó có tỉnh Điện Biên (hiện nay giáo dục mầm non Điện Biên còn thiếu khoảng 1.000 giáo viên).
Bên cạnh đó, có chương trình riêng đầu tư về cơ sở vật chất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vì hiện nay các đề án, chương trình của cấp học mầm non đều lồng ghép các nguồn vốn nên khó thực hiện.
Ngoài ra, tăng mức hệ số lương của giáo viên mầm non bằng hệ số lương như các cấp học khác được quy định theo Thông tư số 01, 02, 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tương xứng với đặc thù của cấp học.
Đối với trẻ em, có chính sách miễn học phí đối với trẻ ở các độ tuổi thực hiện phổ cập; nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ để nâng cao chất lượng trẻ, làm tiền đề cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ mẫu giáo ở vùng dân tộc thiểu số.
Đối với giáo viên, có chính sách hỗ trợ tiền đi lại cho giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ; hỗ trợ giáo viên ở điểm trường trung tâm dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn dạy 2 buổi/ngày; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở điểm trường lẻ…
Đoàn khảo sát ấn tượng với các kết quả giáo dục Điện Biên, nhất là tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp, đạt tới 99,9%, con số mà nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi hơn chưa đạt được. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng điểm đáng mừng là ở đây không có tình trạng giáo viên bỏ nghề, mà vẫn bám lớp, bám trường. Những gì ghi nhận được ở Điện Biên giúp Đoàn khảo sát có cái nhìn rõ hơn về các lĩnh vực Đoàn đang quan tâm để đánh giá một cách thỏa đáng trong báo cáo khảo sát.
Điện Biên đã làm rất tốt công tác giáo dục, nhưng vùng khó thì nhu cầu được hỗ trợ còn rất lớn. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn, Điện Biên tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực chăm lo cho giáo dục, để giáo dục Điện Biên đạt những kết quả tốt hơn, đóng góp vào chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.