Cùng dự có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Ðình Nghị và đại diện các sở, ngành tỉnh Nam Định.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện UBND tỉnh Nam Định cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, giao Công an tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo kiện toàn, củng cố, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 2.160 đội dân phòng/2.160 thôn (xóm), tổ dân phố (đạt 100%); 3.615 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở/3.615 cơ sở thuộc diện phải thành lập (đạt 100%). Trang bị cho lực lượng dân phòng một số phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy như: bình chữa cháy, đèn pin, rừu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực, túi sơ cứu loại A, cáng cứu thương…
Qua thực tế triển khai, UBND tỉnh Nam Định nhận thấy, đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, tuy đã được quan tâm cấp bổ sung hàng năm, nhưng vẫn còn thiếu so với quy định của Bộ Công an; vẫn còn những chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án, công trình đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy mang tính hình thức, không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng bị xử phạt vi phạm hành chính…
Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND tỉnh Nam Định đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Công an tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình đào tạo lái xe; giao cụ thể nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của toàn bộ người dân, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao các ý kiến phát biểu đã tiếp tục bổ sung về căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, làm rõ sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, làm rõ kết quả triển khai thi hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có thêm nhiều thông tin có giá trị cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm tính khả thi hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới khẳng định, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đối chiếu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.