Cùng dự có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải; đại diện các sở, ngành có liên quan.
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, hàng năm, để chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như pháp luật hiện hành về phòng cháy, chữa cháy, địa phương đã chủ động ban hành và chỉ đạo Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, với phương châm “4 tại chỗ”.
Trong năm 2024, tính đến ngày 14.8, công an tỉnh đã vận động ký cam kết và hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy được 10.868/15.705 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (đạt 69,2%). Tiến hành kiểm tra 100% các cơ sở chợ và trung tâm thương mại, lập 153 biên bản kiểm tra, 7 biên bản vi phạm hành chính với 7 lỗi vi phạm, xử phạt 7 trường hợp. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy được thực hiện đúng trình tự pháp luật, đúng hành vi, những cơ sở vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy có nguy cơ trực tiếp gây cháy được cơ quan chức năng quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ để khắc phục các vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy…
Trước một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, UBND tỉnh Hà Tĩnh tán thành việc Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, với nhiều quy định mới như điều chỉnh những quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể và một số yêu cầu cơ bản về phòng cháy, chữa cháy với cơ sở kinh doanh…
Đối với quy định về thẩm định, thẩm tra, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 16, 17 Chương II), UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị, bỏ quy định về kinh doanh thẩm tra thiết kế về phòng cháy, chữa cháy và chỉnh lý lại theo hướng quy định thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy do cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; chủ đầu tư, chủ cơ sở tự tổ chức thẩm tra thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.
Đối với quy định về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 18, 19, 20, 21, 22), đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, kiến nghị, chỉnh lý, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở theo hướng quy định nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy. Trường hợp đối với nhà ở tại các thành phố trực thuộc trung ương không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy sẽ giao Chính phủ quy định lộ trình việc lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành nêu rõ, dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là dự luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của người dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, các ý kiến đã tiếp tục bổ sung rõ nhiều vấn đề về căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như kết quả triển khai thi hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhấn mạnh, trên cơ sở cuộc làm việc, Ủy ban có thêm nhiều thông tin giá trị cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm tính khả thi hơn; khẳng định, Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ, cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đối chiếu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.
Trước đó, Đoàn khảo sát đã khảo sát thực tế tại Trường mầm non Thạch Linh và Công ty CP Lý Ngân Vina, TP. Hà Tĩnh.