Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Vinaconex cho biết, đơn vị luôn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn về mọi mặt, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; ứng cứu sự cố khẩn cấp, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nội dung liên quan trong hồ sơ pháp lý dự án tại các dự án/công trình do Tổng công ty quản lý.
Thường xuyên rà soát, bổ sung, thay thế văn bản pháp lý hết hiệu lực để tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định, công văn hướng dẫn… về công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Góp ý cho dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại diện Vinaconex kiến nghị, tại Điều 7 cần quy định rõ hơn về ngân sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; đồng thời, có thể cân nhắc việc đưa vào các hình thức đánh giá hiệu quả tuyên truyền và giáo dục.
Đối với Điều 16, cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra để giảm thiểu sự không đồng nhất trong thực hiện; cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và hệ thống phản hồi để cải thiện quy trình kiểm tra…
Đối với Tập đoàn Xây dựng Delta, đơn vị cho biết luôn nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn trong tình trạng hoạt động và sẵn sàng hoạt động khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Tại văn phòng cũng như tại các dự án trên khắp cả nước, đơn vị luôn bảo đảm vững chắc về công tác này để hạn chế tối đa nguy cơ ngay từ ban đầu.
Góp ý cho dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tập đoàn Xây dựng Delta đề nghị, quy định tại Điều 7 cần bổ sung cơ quan chức năng cụ thể phối hợp đào tạo hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì mới bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.
Đối với quy định về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 18,19,20,21,22 Chương II), đặc biệt là đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đơn vị kiến nghị, tại Khoản 2, Điều 19 cần quy định về giải pháp ngăn cháy giữa khu vực kinh doanh và khu vực ở, bổ sung quy định về kích thước hành lang thoát nạn tối thiểu. Cần yêu cầu cụ thể về phòng cháy, chữa cháy công trình tạm theo phân loại công trình xây dựng vì yêu cầu phòng cháy, chữa cháy không có khái niệm này tương tự như xây dựng…
Kết luận cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các đơn vị thời gian vừa qua; cho rằng, các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đều được thực hiện triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của toàn bộ người dân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, với tính khả thi cao nhất. Qua đó, đưa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày càng đi vào hiệu quả, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và phát triển.