Dư âm Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 06:39 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả của Kỳ họp thứ Mười, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu rõ, đây là kỳ họp đặc biệt. Diễn ra trong bối cảnh đất nước hứng chịu tác động "kép" của dịch bệnh và thiên tai, Kỳ họp thứ Mười khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với mong muốn đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Quyết tâm cao với mong muốn đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn

- Là kỳ họp gần như “áp chót” của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Bà có thể chia sẻ đôi điều cảm xúc về kỳ họp đặc biệt này?

- Đây là một kỳ họp đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động sâu rộng và tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng vào thời điểm đó, “khúc ruột” miền Trung nước ta đang oằn mình trong bão lũ, thiệt hại to lớn về của cải và con người. Trong bối cảnh chịu sự tác động kép của dịch bệnh và thiên tai đó, Kỳ họp thứ Mười đã diễn ra với tinh thần đoàn kết dân tộc, trách nhiệm và quyết tâm cao với mong muốn đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Ảnh: Thanh Chi

Là kỳ họp gần như “áp chót”, trước kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ, nên tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc lớn trên cả ba lĩnh vực, chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó có nội dung quan trọng là góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng...

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội tiếp tục phát huy hiệu quả của việc đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp khi chia thành hai đợt họp trực tuyến và tập trung, nhằm thích ứng với tình hình đại dịch Covid-19. Đây là cách làm rất linh hoạt, mang lại hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho các ĐBQH kiêm nhiệm ở địa phương làm tròn trách nhiệm trong khi vẫn bảo đảm thời gian, tiến độ công việc chương trình kỳ họp đã đề ra. Đặc biệt, tôi ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội, tạo rất nhiều thuận lợi cho ĐBQH trong việc nghiên cứu tài liệu; đăng ký phát biểu, góp ý vào dự thảo luật; kết nối, trao đổi với các đại biểu khác… Cách làm này được áp dụng trong giai đoạn chúng ta thích ứng với tình hình Covid-19, song đã cho thấy hiệu quả, một lần nữa minh chứng cho một Quốc hội luôn linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Với đà phát triển đó, tôi tin Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới, cải tiến để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hơn nữa.

- Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong năm tới. Bà đánh giá thế nào về các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong nghị quyết này?

- Trong bối cảnh đất nước chịu sự tác động lớn và tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kinh tế - xã hội nhằm đề xuất những giải pháp quan trọng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong quá trình thảo luận, điều mà các ĐBQH đặc biệt quan tâm, cân nhắc tới là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới. Vấn đề này cũng được Chính phủ giải trình rất rõ nhiều nội dung.

Năm 2020, tăng trưởng GDP của chúng ta chỉ đạt từ 2 đến 3% thôi, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng phải thấy rằng nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực tăng trưởng “âm”. Việc nước ta duy trì được tăng trưởng “dương” cho thấy sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong điều hành kinh tế. Vấn đề đặt ra là trong năm tới đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đến mức nào là vừa? Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế, phân tích sâu sắc cả thuận lợi và thách thức, Quốc hội đã thống nhất chưa điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có chỉ tiêu GDP tăng 6,8%. Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng đặt ra chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6%. Điều này thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra. 

Các đại biểu bên hành lang Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV  

Ảnh: Quang Khánh 

Qua xem xét các báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, đánh giá điều kiện phục hồi của kinh tế nước ta, trong đó có sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, các giải pháp của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng, các ĐBQH thấy rằng có cơ sở để tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tôi đồng thuận với các chỉ tiêu khác đề ra trong nghị quyết, cho thấy việc điều hành cán cân vĩ mô mang tính an toàn trong năm tới. Ngoài ra, các chỉ tiêu về an sinh xã hội đều tăng. Điều này cũng đòi hỏi Chính phủ cần có những kịch bản rất cặn kẽ để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Chúng tôi kỳ vọng, dưới sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô của chúng ta tiếp tục ổn định, phát triển như kế hoạch đề ra trong năm 2021.

Thước đo đánh giá nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ

- Nhiều ý kiến cho rằng, điểm nhấn của kỳ họp là hai ngày rưỡi Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Rất nhiều vấn đề nổi cộm, được cử tri và Nhân dân quan tâm đã được đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành… Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động này?

- Đây là lần giám sát, chất vấn cuối cùng trong nhiệm kỳ này, nhằm đánh giá việc Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến này. 

Nhiều vấn đề nổi cộm trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đều được đại biểu đặt ra. Đây là những vấn đề xác đáng, được cử tri cả nước quan tâm. Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã trả lời ngắn gọn nhưng khá đầy đủ các câu hỏi của đại biểu, qua đó giúp cử tri và Nhân dân cả nước biết được tình hình Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan tư pháp triển khai tới đâu. Đây cũng là “thước đo” để đánh giá nỗ lực của Chính phủ, từng bộ, ngành, cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ cũng như giải quyết những vấn đề mà cử tri bức xúc, góp phần củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân với công tác điều hành, thực thi nhiệm vụ của Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Có thể nói, hoạt động chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua thực sự chất lượng và hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

- Cá nhân đại biểu đánh giá thế nào về việc Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ này?

- Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tư pháp trong việc thực thi các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn trong nhiệm kỳ này. Những nội dung các đại biểu đặt ra tại các kỳ chất vấn, giám sát được đưa vào trong các nghị quyết đều là những vấn đề nổi cộm, và cơ bản được Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp nỗ lực thực hiện. Mặc dù có những yếu tố khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch bệnh làm cho tiến độ thực hiện trong một số lĩnh vực còn chậm nhưng có thể thấy, nhiều lĩnh vực đã có sự chuyển biển rõ nét, như nông nghiệp, viễn thông, nội vụ… đặc biệt là các chính sách đối với các đối tượng chính sách của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tại Kỳ họp thứ Mười, tôi đã chất vấn Thủ tướng về việc tại sao gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chậm đến với đối tượng thụ hưởng, thậm chí nhiều người không thể tiếp cận được chính sách này. Rất mừng là phần trả lời của Thủ tướng ngắn gọn nhưng đầy đủ. Thủ tướng đã thẳng thắn thừa nhận rằng vấn đề thực thi vừa qua không đáp ứng được mục tiêu đề ra là kịp thời, hiệu quả và nêu rõ, các chính sách hỗ trợ đó cũng cần được sắp xếp, có điều chỉnh, bổ sung chính sách mới, trúng đối tượng hơn, phù hợp với thực tế hiện nay. Rõ ràng, Thủ tướng đã lắng nghe phản hồi từ thực tiễn cuộc sống và sâu sát, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành để các chính sách hỗ trợ thực sự phát huy tác dụng, giúp người dân, doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, bảo đảm điều kiện sống và duy trì sản xuất kinh doanh.

Nhật An