Ngày 6.9, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND quận Sơn Trà.
Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016- 2021 trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Công Thanh cho biết, trong giai đoạn 2016- 2019, số người tham gia BHXH hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số người tham gia BHXH bắt buộc giảm mạnh. Năm 2021 số người tham gia là 25.094 người, giảm 5.384 người, giảm 17,66% so với năm 2019.
Về số lao động, doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia, tính đến hết tháng 7.2022, BHXH quận Sơn Trà đã tiến hành rà soát 39 đơn vị với 2.216 lao động từ dữ liệu của thuế năm 2020 (đạt 9,87%). Qua đó, xác định số lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm lao động thời vụ, lao động gia đình, hết tuổi lao động, hưu trí... là 2.194 người; số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia là 22 lao động, bằng 1% tổng số lao động rà soát...
UBND quận Sơn Trà kiến nghị: Cần có các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt giúp người tham gia thêm nhiều sự lựa chọn. Cụ thể như: sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng nông dân, lao động phi chính thức không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, đại diện lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho biết, kết quả thực hiện cụ thể đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và lao động ngừng việc. Hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 8.191 lao động (trong đó có 1.808 lao động ngừng việc, 5.519 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động trên 1 tháng, 864 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động dưới 1 tháng), tổng số tiền 26.907.710.000 đồng. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Hoàn thành chi hỗ trợ đối với 6.007 lao động với số tiền 9.095.000.000 đồng (trong đó, phòng giáo dục và đào tạo quận đã đề nghị và thực hiện chi hỗ trợ cho 70 giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục không giao kết hợp lao động bị mất việc).
Quận Sơn Trà kiến nghị các cấp có thẩm quyền quy định thời gian xử lý theo số lượng hồ sơ tiếp nhận trong ngày thay vì ấn định một mốc thời gian nhất định để công tác thẩm tra, chi trả hỗ trợ được bảo đảm chính xác. Đổi mới việc tiếp nhận xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ Quốc gia theo hướng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
+ Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội đã làm việc với BHXH TP. Đà Nẵng.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021 trên toàn địa bàn TP, BHXH TP. Đà Nẵng phản ánh một số bất cập trong chính sách BHXH và những chính sách, pháp luật có liên quan đã gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Đó là BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia, như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Luật BHXH quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí là đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu, đề nghị hưởng BHXH một lần...Từ thực tiễn, BHXH TP. Đà Nẵng đề xuất Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm... Trong đó, đề nghị ngoài chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT như quy định hiện hành. Xem xét bổ sung chức năng thanh tra về thanh toán, hưởng chế độ BHXH, chi trả BHYT theo quy định cho ngành BHXH để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT.
Bổ sung một số cơ chế để cơ quan BHXH trong việc yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT theo quy định của pháp luật, bao gồm cả thông tin về trách nhiệm tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT đã được khấu trừ thuế.
Giải trình về việc tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT theo yêu cầu của cơ quan BHXH trong trường hợp có sự bất hợp lý về mức tiền lương tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT.
Quy định rõ các dấu hiệu nhận diện về hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT...
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của UBND quận Sơn Trà và BHXH TP. Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao những kết quả đạt được của địa phương, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai thực hiện. Đồng thời nêu rõ, những ý kiến, kiến nghị của địa phương là cơ sở để nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhằm tiếp tục hoàn thiện tốt hơn chính sách, pháp luật về BHXH.