Dự án Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, được xây dựng cụ thể hóa 5 chính sách gồm: Định danh nhà giáo, tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.
Luật Nhà giáo ra đời được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn khi áp dụng chế độ, chính sách cho nhà giáo, đồng thời tạo sự đột phá về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đóng góp ý kiến vào dự án luật, các đại biểu tham gia vào nhiều vấn đề liên quan đến đối tượng áp dụng; chế độ đối với nhà giáo ở từng địa bàn cụ thể (trong đó, có chế độ đặc thù với nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); cần làm rõ, thống nhất quy định tuyển dụng nhà giáo, xếp loại đánh giá nhà giáo; quy định bố trí, sắp xếp đội ngũ của các trường nhằm bảo đảm công bằng giữa các nhà giáo; các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển.
Kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp thiết thực, trách nhiệm, xuất phát từ thực tiễn của các đại biểu vào Dự án Luật. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội tại Kỳ họp tới.